MỚI: Những điểm khác biệt trong mô hình bồi dưỡng giáo viên

An Hảo
Tin giáo dục hôm nay - Xây dựng bài bản, sự phong phú các hình thức thể hiện của tài liệu tập huấn giáo viên và tài liệu tập huấn được số hóa đang được cho là một trong những điểm mới quan trọng, tạo nên hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng, tập huấn.

Thông tin từ TS. Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban quản lí Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lí (CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) cho biết: Ngày 4/12/2019, Quyết định số 4660/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành 54 mô-đun bồi dưỡng GV, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các mô-đun bồi dưỡng dành cho 3 cấp học phổ thông, mỗi cấp học gồm 2 đối tượng (GV, CBQL cơ sở GDPT), mỗi đối tượng 9 mô-đun.

MỚI:  Những điểm khác biệt trong mô hình bồi dưỡng giáo viên  - Ảnh 2

Thực hiện Quyết định trên, Ban quản lí Chương trình ETEP đã giao cho 7 trường ĐH sư phạm, Học viện Quản lí giáo dục tổ chức biên soạn các mô-đun, bảo đảm yêu cầu thực tiễn quản lý và giảng dạy, khoa học và theo định hướng của Bộ GD&ĐT để phục vụ bồi dưỡng đội ngũ cốt cán, đại trà trên toàn quốc.
Cũng theo TS. Đặng Văn Huấn, nhằm bảo đảm sự thống nhất, và nâng cao chất lượng của bộ tài liệu, học liệu, Ban Quản lí Chương trình ETEP đã xây dựng quy trình phát triển tài liệu bồi dưỡng, cùng hướng dẫn chi tiết về nội dung, hình thức và kịch bản sư phạm cho mỗi mô-đun.
Quy trình bao gồm các bước như: Thành lập Ban biên soạn, tổ chức hội thảo - tập huấn định hướng phát triển tài liệu; xây dựng đề cương và bản thảo với việc tham vấn các bên liên quan bao gồm cục/vụ thuộc Bộ GD&ĐT, chuyên gia độc lập, chuyên gia tư vấn quốc tế, Ngân hàng Thế giới, đại diện trường ĐH sư phạm/Học viện tham gia ETEP và GV phổ thông, CBQL cơ sở GD phổ thông - đối tượng thụ hưởng tài liệu; thử nghiệm tài liệu; thẩm định cấp trường và nghiệm thu cấp Bộ. Nhờ thực hiện theo quy trình, các tài liệu, học liệu được rà soát, góp ý nhiều vòng nhằm đảm bảo chất lượng, bám sát hướng dẫn, qui định của Bộ GD&ĐT, đáp ứng công việc thực tế của GV, CBQL cơ sở GDPT.
Chương trình ETEP đã phối hợp với dự án RGEP, các trường ĐH sư phạm xây dựng được toàn bộ tài liệu, học liệu. Sản phẩm của các mô-đun bồi dưỡng được thiết kế đa dạng: Tài liệu dạng in (tài liệu nội dung cốt lõi), infographic, video, ngân hàng câu hỏi kiểm tra đánh giá quá trình, kết quả học tập và bài thực hành cuối khóa.
Các tài liệu được thiết kế, đưa lên hệ thống học trực tuyến LMS thành khóa học qua mạng (e-course) theo kịch bản phù hợp, đáp ứng mô hình bồi dưỡng (5-3-7 hoặc 7-2-7) cho đội ngũ cốt cán và mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục tại chỗ (qua mạng) của đội ngũ đại trà (có sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán). Sau mỗi khóa bồi dưỡng, Ban Quản lí Chương trình và các trường ĐH sư phạm/Học viện Quản lý giáo dục tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của giảng viên và học viên tham gia bồi dưỡng nhằm chỉnh sửa, bổ sung và cập nhật tài liệu” - TS. Đặng Văn Huấn cho hay.
Chuyển quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng
Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình, cho biết: Những năm 2005 - 2007, GV, CBQL tham gia tập huấn Chương trình GDPT 2006 chủ yếu là trực tiếp. GV dạy môn nào thì tập huấn tập trung môn đó. GV cốt cán (báo cáo viên) truyền đạt trực tiếp trên hội trường. Học viên nghiên cứu tài liệu, thảo luận, cử GV dạy thực nghiệm để các học viên dự và rút kinh nghiệm.

MỚI:  Những điểm khác biệt trong mô hình bồi dưỡng giáo viên  - Ảnh 3

Ngày đó tài liệu tập huấn có thể nói chưa đầy đủ và phong phú để học viên có thể tự đọc, tự nghiên cứu như bây giờ; học viên chủ yếu bám sát sách GV và sách giáo khoa. Còn hiện nay, tài liệu tập huấn rất đa dạng, phong phú với file tài liệu, video giảng viên tập huấn trực tiếp, video bài dạy minh họa rất sinh động, học viên có thể xem đi xem lại những nội dung cần quan tâm.
Học viên được chủ động về thời gian: Ngày đi làm, tối vẫn tranh thủ tự học được; làm các bài tập để nắm chắc, hiểu sâu… Ngoài ra còn nguồn tư liệu khổng lồ trên Internet, tuy nhiên các học viên khi trao đổi, chia sẻ cần tiếp thu có chọn lọc. Bên cạnh nguồn tài liệu mở, phần liên hệ vận dụng bám sát thực tiễn, các tác giả cũng luôn lắng nghe, tương tác với học viên để nguồn học liệu hoàn thiện hơn. “Tóm lại, sự phong phú, cụ thể của tài liệu tạo nên sự khác biệt, sự hiệu quả so với các chương trình tập huấn trước đây” - thầy Nguyễn Tiến Dũng nhận định.
Từ trải nghiệm thực tế, cô Trần Thị Nguyên, giáo viên Trường THCS Trường Chinh, Phú Thiện, Gia Lai nhận định: Các tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa phù hợp với thực tế giáo dục phổ thông, đồng thời bắt nhịp với xu hướng mới trong bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.
Tất cả giáo viên được tiếp cận tài liệu gốc, hỗ trợ hiệu quả quá trình tự bồi dưỡng, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ và có chất lượng. Giáo viên chủ động về thời gian học, tùy tình hình công việc để sắp xếp thời gian tự nghiên cứu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh khó có thể tổ chức tập huấn trực tiếp, với các tài liệu được số hóa, giáo viên sẽ tăng cường nghiên cứu, tự bồi dưỡng online để trau dồi kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình. Ngoài xem lại nội dung đã được bồi dưỡng, thầy cô tìm kiếm, tải tài liệu về, đối chiếu so sánh với video, tài liệu được học và rút kinh nghiệm, tìm phương pháp phù hợp.
Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ chương trình bồi dưỡng, đồng thời mong muốn tiếp tục trao đổi những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy; có cơ hội chia sẻ, trao đổi, thảo luận với đồng nghiệp trên cả nước. Việc bồi dưỡng không chỉ là “trách nhiệm” mà là nhu cầu tự thân, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục” – cô Trần Thị Nguyên chia sẻ.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết MỚI: Những điểm khác biệt trong mô hình bồi dưỡng giáo viên tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác