"Mùa muỗi", mùa viêm não Nhật Bản

Nguyễn Như Quỳnh
Ngoài sốt xuất huyết và Zika, căn bệnh viêm não Nhật Bản cũng có vật trung gian là muỗi và rất cần đề phòng trong mùa mưa.

Tính đến sáng 26-6, tại Khoa Nhiễm – thần kinh, BV Nhi Đồng 1 có 6 bé đang phải thở máy vì bệnh viêm não Nhật Bản.

Hay gặp khoảng tháng 5-6 đến tháng 10

 Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – thần kinh, hàng năm vào khoảng tháng 5-tháng 6 đến đầu tháng 10 là "mùa" của bệnh viêm não Nhật Bản. Có những thời điểm một vài bệnh nhi phải nằm tạm ở khoa Cấp cứu vì khoa Nhiễm – thần kinh không còn giường hồi sức nào trống. Tuy số ca mắc không nhiều (số liệu thống kê từ đầu năm đến ngày 22-6 là 25 ca), nhưng đây là căn bệnh rất nặng và điều trị rất khó khăn. "Khoảng 60% bệnh nhi sẽ khỏi bệnh và hồi phục hoàn toàn, 30% có di chứng và dưới 10% tử vong. Mỗi trẻ phải điều trị ít nhất 10 ngày, có khi kéo dài cả tháng. Những trẻ không may bị di chứng có khi phải lệ thuộc máy thở cả năm trời" – bác sĩ Khanh cho biết.

Khi trẻ có biểu hiện nhiễm siêu vi như sốt, nôn ói... nên đưa trẻ đi khám. Trong ảnh: Đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, căn bệnh này chiếm 50% trên tổng số các ca viêm não, gặp nhiều nhất ở trẻ trên 5 tuổi. Ở khu vực miền Nam, bệnh gặp nhiều ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bệnh lây qua vật trung gian là một loại muỗi dân gian hay gọi là "muỗi ruộng". Muỗi đốt heo, chim rồi mang mầm bệnh truyền sang người, do đó ở vùng nông thôn có nuôi heo là nơi bệnh dễ gặp nhất. Đó cũng là lý do thời điểm này – mùa mưa, mùa muỗi hoành hành – cũng là mùa của viêm não Nhật Bản.

Vắc xin: phải chích đủ các mũi!

Hiện tại, viêm não Nhật Bản có thể phòng ngừa bằng cách tiêm chủng và đã được nghiên cứu đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, việc tiêm chủng không giúp miễn dịch suốt đời. Sau 3 mũi đầu tiên, bệnh nhân có thể chích nhắc lại mỗi 3 năm. Tuy nhiên đến trên 15 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh này hầu như không còn. Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên các bậc phụ huynh nên cho con chích ngừa căn bệnh này, vì nếu đã bị thì sẽ bị rất nặng, hậu quả nặng ề. Ông cũng cảnh báo: "Nhiều người chích xong hai mũi đầu nhưng lại quên mất mũi thứ 3, chích sau 1 năm. Như vậy thì hiệu quả phòng bệnh của vắc xin không đạt được".

Ngoài ra, vì đây là căn bệnh lây truyền qua muỗi nên các biện pháp diệt muỗi, ngủ mùng… rất cần được chú ý. Trong mùa mưa này, việc diệt muỗi, chống muỗi còn có tác dụng phòng nhiều căn bệnh khác, không riêng viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh khó chẩn đoán, hầu như chỉ có thể chẩn đoán sau khi trẻ đã có biểu hiện co giật, hôn mê. Vì thế, để đề phòng căn bệnh này cũng như nhiều bệnh nhiễm siêu vi khác, trẻ cần được đưa vào viện khám nếu có các biểu hiện của nhiễm siêu vi như sốt, nôn ói, nhức đầu… Nếu đã có dấu hiệu rối loạn tri giác (co giật, hôn mê…) thì phải đưa đi cấp cứu. Viêm não Nhật Bản thường phải điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh/thành vì cần đến máy thở.

Theo Nguoilaodong

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "Mùa muỗi", mùa viêm não Nhật Bản tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Những loại đồ uống gây "nguy hiểm" cho xương của bạn

Thực phẩm mà bạn tiêu thụ hàng ngày có thể ảnh hưởng đến xương của bạn. Bên cạnh các loại thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D và các chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sức khỏe xương, vẫn có những loại thực phẩm và đồ uống làm giảm sự hấp thụ Canxi và khiến xương, răng của bạn yếu hơn.

"Bật mí" những cách trị sẹo thâm ở chân nhanh và an toàn

Sẹo thâm được tạo nên khi vùng da bị tổn thương nhưng không được bảo vệ, chăm sóc đúng cách. Để cho da bị ảnh hưởng trực tiếp từ ánh nắng mặt trời và bụi bẩn, vi khuẩn môi trường. Khiến cho da tổn thương sản sinh nhiều sắc tố melanin hình thành sẹo thâm, sẫm màu.