Cùng với Điều dưỡng; Nghệ thuật ẩm thực; Khoa học máy tính... Tâm lý học là 1 trong 6 ngành học được ưa chuộng trong tương lai. Dự kiến trong 10 năm tới, cơ hội việc làm cho ngành này có thể tăng 14%.
Có rất nhiều câu hỏi liên quan như: “Ngành tâm lý học là gì?” “Học ngành tâm lý học ra trường làm gì?” “Học ngành tâm lý học ở đâu uy tín?” “Học ngành tâm lý học bạn cần những tố chất gì?”. Nhưng có thể hiểu đơn giản ngành Tâm lý học nghiên cứu việc xử lý thông tin và biểu hiện hành vi ở con người, làm rõ bản chất của con người bằng cách đi sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống, từ kinh tế, chính trị, xã hội cho đến văn hóa, giáo dục, y học, triết học… Hiện nay, tâm lý học được phát triển và ứng dụng rộng rãi trong tất cả các mối quan hệ của đời sống ở tất cả các lĩnh vực của xã hội.
Học Tâm lý học không phải chỉ để trở thành Bác sĩ tâm lý
Đừng lầm tưởng nhé học tâm lý học không phải chỉ để trở thành Bác sĩ tâm lý đâu mà ngoài ta còn có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực: Nhà tâm lý học đường; Nhà trị liệu tâm lý; Chuyên viên tham vấn; Nhà tâm lý học hoặc theo đuổi các công việc ở doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ sau khi ra trường ở các bộ phận như nhân sự (tuyển dụng, phúc lợi, tập huấn), truyền thông - marketing (nghiên cứu thị trường, quan hệ công chúng, quảng cáo) hay kinh doanh (bán hàng, chiến lược).
Lúc này, sẽ có sự khác biệt về mức lương sinh viên được nhận, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí địa lý, khu vực làm việc, nền giáo dục và số năm kinh nghiệm làm việc. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, những người làm trong lĩnh vực Tâm lý học đã và sẽ luôn yên tâm về mức lương, chế độ đãi ngộ vì ngành học này gần như các loại máy móc không thể thay thế được trong thời đại công nghệ.
Học ngành tâm lý cần những tố chất nào?
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng muốn học ngành tâm lý và trở thành một chuyên gia giỏi, người học cần nhạy cảm, tinh tế, nhẹ nhàng: "Đây là nghề chăm sóc, hỗ trợ tinh thần cho người khác. Ngoài ra, phải có tâm hồn phóng khoáng, tấm lòng vị tha, độ lượng, không toan tính. Trong quá trình làm việc, sử dụng trí tuệ cảm xúc nhiều hơn trí tuệ logic. Khả năng giao tiếp, ngôn ngữ hoạt bát cũng là điều cần thiết để làm việc thành công".
Bên cạnh đó, người làm nghề tâm lý còn cần có kiến thức phong phú về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, có hiểu biết rộng về các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội hàng ngày. Phải chịu được áp lực cao trong công việc, rèn luyện tính kiên nhẫn...
Một số trường đào tạo ngành Tâm lý học có thể tham khảo:
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM
Đại học Sư phạm TP.HCM
Đại học Sư phạm Hà Nội
Đại học RMIT (Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên sẽ học tập với các giảng viên, các nhà nghiên cứu tâm lý được chứng nhận quốc tế ở Melbourne).
Đại học Văn Hiến
Đại học Văn Lang
Đại học Công nghệ TP.HCM