An toàn với các thiết bị điện
Là một chuyên gia tâm lý, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học – Đại học Sư phạm Hà Nội, Tiến sĩ (TS) Vũ Thu Hương đã có những chia sẻ rất thật về vấn đề trên.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh tư liệu.
Trao đổi với chúng tôi, TS Thu Hương cho biết: “Tôi có cảm giác các bậc cha mẹ đang quan tâm đến điểm số Toán, Tiếng Việt của trẻ nhiều hơn là vấn đề an toàn cho trẻ. Những thiết bị gia đình trông thì có vẻ hiền lành nhưng những hậu quả do không biết cách sử dụng hoặc do trẻ nghịch ngợm là nhiều vô kể”.
Theo TS Vũ Thu Hương, các lan can cầu thang và ban công nhà cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đây là nơi có thể nói là “khủng khiếp” số một vì các bé thường rất tò mò, không biết lao ra ngoài lan can thì cảm giác thế nào.
“Tôi vẫn nhớ cái suy nghĩ hồi nhỏ của mình là tại sao mình cứ mon men ra đến cái ban công là lại bị bố mẹ mắng như thế. Trông khoảng không gian phía trên ban công hấp dẫn thế kia cơ mà. Đây là suy nghĩ tò mò của hầu hết trẻ nhỏ. Các cha mẹ chú ý nhé”, cô chia sẻ.
Ngoài ra, ổ điện, các đường dây điện và các thiết bị công tắc, cha mẹ cứ bật tắt, rút ra rút vào ổ cắm cũng làm cho trẻ cực kì tò mò.
"Rồi bếp ga, bình ga, các thiết bị đun nóng. Có thể nói, các pama cảm thấy được ngay sự nguy hiểm của mấy thiết bị này. Tôi tính trung bình cứ vài ngày lại nghe một tin các trẻ bị bỏng vì nghịch ngợm hoặc bất cẩn của người lớn, tôi thấy đau lòng vô cùng.
Các đồ dùng như máy giặt và tủ lạnh, đặc biệt là tủ lạnh. Trời nóng thế này, cái tủ lạnh mát rượi kia có thể là điểm đến thu hút của trẻ. Trẻ sẽ sở thích muốn chui vào đó ngồi vừa mát vừa có thể ăn vụng thức ăn.
Quạt và những thứ quay tròn trong nhà cũng tương tự. Quạt rất mát, rất dễ chịu nhưng khả năng sát thương của nó cũng không kém. Phía sau quạt lại có khả năng hút rất mạnh. Nếu con lại chơi gần quạt, con có thể bị hút tóc vào trong cánh quạt rất đau đớn”, TS Thu Hương cảnh báo.
Bên cạnh đó, các vật dụng như dao kéo, kim, búa cũng có thể gây thương tích trầm trọng. Vì thế, vị giảng viên lưu ý các cha mẹ chắc chắn phải làm mấy việc như sau: “Dạy trẻ tránh xa các thiết bị nguy hiểm. Cách dạy không phải là hét lên khi con đến gần. Càng làm vậy con càng tò mò. Các cha mẹ cần làm cho con giật mình hoảng sợ để con tự giác tránh xa , như tôi hay dạy con tớ tránh xa ổ điện cũng vậy.
Tôi cầm tay con ở gần ổ điện và định nhét vào đột ngột, khi đó, phản ứng tự vệ của con tôi là kéo ra. Đồng thời, tôi hét thật to: Nhét tay vào đó đi cho nó giật cho đứt tay. Con tôi giật thót mình, vừa kéo tay ra vừa khóc váng lên. Sau đó thì con tôi không dám lại gần cái ổ điện nữa”.
Coi chừng với lan can, ban công
TS Vũ Thu Hương dẫn chứng thêm với lan can, ban công cha mẹ cũng nên đề phòng.
Chuyên gia phân tích: “Tôi nắm vai con, vừa đẩy ra ngoài ban công vừa hét. Con tôi sợ quá nên cũng không dám ló ra đó. Mãi sau này lớn, 10 tuổi rồi mới dám le te lại gần. Các cha mẹ có thể xót xa khi con bị hoảng sợ. Nhưng theo tôi, thà rằng vậy còn hơn là để tai nạn xảy ra”.
Các bậc cha mẹ nên lắp các thiết bị an toàn trong nhà. Các ổ điện đều có những thanh ngăn cản điện giật và cha mẹ cần lắp toàn bộ các ổ điện an toàn.
Ở các lan can ban công, các cha mẹ nên lắp lưới thép loại nhỏ hoặc lưới chống muỗi. Lưới này đủ sức ngăn các con lao mình ra ngoài ban công. Còn nếu không may xảy ra sự cố cháy nổ, lực lượng PCCC vẫn có thể cắt nó dễ dàng bằng kéo. Vì thế, lưới an toàn là thứ vô cùng cần thiết cho sự an toàn của trẻ”.
Ngoài ra, TS Thu Hương cũng lưu ý, máy giặt tuyệt đối không được để các vật gì gần đó và trong tầm với của trẻ mà có thể trèo lên như ghế thấp. Máy giặt nên để ở khu vực xa phòng ngủ của bé, cha mẹ nên khóa lại sau khi đã sử dụng xong.
Cha mẹ cần khéo léo dạy con sử dụng thiết bị gia đình một cách an toàn ngay khi con được 4 - 5 tuổi. Ban đầu là kéo, dao, kim…. Sau đó sẽ nâng dần tùy thuộc vào khả năng tiếp thu và kĩ năng của con. Khi mới thực hành với các vật dụng đó, hãy chọn thứ an toàn nhất cho con.
Ví dụ: Kéo đầu tù, nhỏ xíu bằng bàn tay của con, dao nhựa hoặc dao ăn, kim khâu len…. Những vật dụng này có khả năng gây sát thương ít nhất. Cha mẹ nên hướng dẫn con thật cẩn thận để con có thể sử dụng tốt nhất mà không bị thương tích.
Theo Đời sống & Pháp lý