Người ở

Thái Chí Thanh (theo Vanvn)
Hè này, bố đi công tác xa, mẹ phải thuê người giúp việc. Đó là Tuyết, chỉ trạc tuổi tôi nhưng siêng cực kỳ. Thấy tôi hay đi học thêm, nó có vẻ ngạc nhiên lắm. Nhất là khi thấy tôi xin mẹ tiền học, nó cứ đứng ngẩn người nhìn. Có lần, nó hỏi:

– Mỗi tháng hè, Minh học hết bao nhiêu?

Tôi cũng chẳng nhớ, nên nói đại:

– Khoảng vài trăm nghìn gì đó.

Nó thè lưỡi:

– Khiếp! Học những gì mà hết nhiều tiền thế?

– Nhiều lắm. Học ôn lớp cũ, học chương trình lớp mới, học tiếng Anh, học vẽ, học đàn, học võ… Nhiều thứ lắm. Học sinh thành phố chúng tớ là phải học toàn diện…

Nhìn nó há mồm nghe, tôi mới hãnh diện làm sao. Bất chợt, nó lại hỏi:

– Học nhiều thế, chắn Minh giỏi lắm nhỉ?

Ái chà… Nó hỏi kiểu này rất khó trả lời. Tôi đành ẫm ờ “tất nhiên” rồi lảng đi chỗ khác.

Một lần, nó tò mò xem vở làm văn của tôi, rồi hỏi:

– Cậu tả con gì mà hay thế?

Lần đầu tiên có người khen văn mình hay, tôi sướng rơn. Hai cánh mũi của tôi đang phập phồng nở to thì nó lại bật cười:

– A… Cậu tả con lợn… Ôi… Buồn cười quá!

Thì ra là nó chê. Tôi nổi cáu:

– Cậu mà cũng dám cười tớ à?

– Không! Không phải thế – Nó cuống quýt thanh minh – Tớ chỉ cười con lợn thôi. Lợn gì mà… Nó đọc to – da nhẵn thín, mũi trông như cái ổ cắm điện, hai mắt thao láo, tròn vo, còn hai tai của nó mà làm nem chạo thì miễn chê…. Hô…hô…. Nó chẳng giống lợn quê tớ tí nào cả.

– Giống… thế nào được. Lợn thành phố nó phải khác lợn nhà quê của cậu chứ.

Tôi nóng mặt, nói đại lên như vậy. Thế mà nó cũng tin, còn ngạc nhiên hỏi lại: “Thế á?” rồi tròn mắt nhìn tôi. Nó có biết đâu là tôi chưa bao giờ ngắm nhìn một con lợn thật cả. Có chăng cũng chỉ trên ti vi, trong sách hoặc là khi lợn đã được chế biến thành những món béo ngậy trên bàn ăn rồi. Vì thế nên khi làm đề văn: “Hãy tả con lợn nhà em”, tôi bí quá, đành lấy chú lợn đất đựng tiền mừng tuổi ra để tả.

Để đứa ở cười cho, kể cũng bẽ mặt. Nhưng tôi lại cho là nó nhà quê, biết hơn tôi con lợn là đương nhiên, chứ còn những môn khác xem. Thế là từ đó, cứ có nó bên cạnh là tôi đọc rõ to những từ nghe oai oai như là hydro, cacbonich… và nhất là tiếng Anh. Nhiều hôm tôi phải nhọn mồm, rung lưỡi phát âm làm cho nó được một phen điếc tai.

Không ngờ, một lần, nó xem tờ kiểm tra toán của tôi rồi thốt lên:

– Toán mà cậu cũng bị xơi ngỗng ư?

Tôi giật lấy tờ giấy trên tay nó, trừng mắt:

– Đây là toán học thêm, toàn loại nâng cao, khó cực kỳ chứ có phải dễ như toán nhà quê cậu đâu mà đòi nhiều điểm.

Tưởng là nó cũng tin như lần tôi giải thích bài văn tả con lợn. Nào ngờ, nó phì cười:

– Hô… hô… Toàn học thêm gì mà… dễ thế.

Tôi ngạc nhiên, hỏi lại:

– Cậu dám nói bài toán này dễ ư? Vậy thì giải đi xem nào.

Nó gật đầu rồi lấy bút giải, một loáng đã ra đáp số giống như cô giáo chữa ở lớp. Đến nước này thì tôi cũng chẳng cần sỹ diện làm gì nữa, chỉ dặn nó đừng để mẹ tôi biết kẻo lại bị ăn mắng.

Từ đó, tôi thực sự cảm phục Tuyết và càng ngày hai đứa càng thân nhau hơn.

Năm học mới sắp đến, tôi thấy buồn vì sắp phải chia tay Tuyết. Nhưng Tuyết lại tỏ ra vui lắm. Nó khoe với tôi:

– Minh ơi… Mình đã kiếm đủ tiền để đi học tiếp rồi.

Thấy tôi không hiểu, Tuyết giải thích:

– Nhà mình nghèo, chỉ đủ tiền cho em mình đến lớp thôi. May mà mình tìm được việc làm trong hè, mới có tiền cho năm học mới. Ôi… Mình mừng lắm…

Tôi không thể ngờ được một người như Tuyết lại phải làm người ở để kiếm tiền mới được đến lớp. Chẳng bù cho tôi, cái gì cũng có mà…

Tuyết bỗng bùi ngùi:

– Về nhà, mình sẽ rất nhớ bạn và….

Theo ánh mắt của Tuyết, tôi nhìn lên giá sách, thầm thấy xấu hổ vì rất nhiều cuốn tôi chưa đọc. Biết Tuyết vẫn ao ước có nhiều sách như mình, tôi kéo nó lại giá sách:

– Tuyết thích quyển nào, tớ cũng tặng….

Tuyết cảm động:

– Minh tốt quá… Nhưng mình chỉ lấy những cuốn trùng nhau thôi. Trên giá sách này, mình thấy nhiều cuốn sách tham khảo in trùng nhau, chỉ khác mỗi cái bìa… Vả lại, Minh cũng phải xin phép mẹ nữa chứ.

Tất nhiên là mẹ tôi đồng ý rồi. Mẹ còn nói:

– Nhân dịp này, hai mẹ con mình sẽ về thăm gia đình Tuyết.

Nghe vậy, tôi mừng quá, chỉ biết vỗ tay “hoan hô mẹ”. Còn Tuyết, không hiểu vui hay buồn mà miệng thì cười, còn mắt cứ chấp chấp… À… Tôi hiểu rồi. Nó lại xúc động ấy mà…

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Người ở tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Mùa hè của em

Dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm, bạn Phạm Quốc Đạt (lớp 3A, trường Tiểu học ...

Bài Sáng Tác khác

Giấc mơ nhỏ bé

Đã lâu rất lâu rồi, tại một thị trấn nhỏ ẩn mình giữa những ngọn đồi thoai thoải cạnh một khu rừng cổ thụ, có một cô gái nhỏ mộng mơ. Mọi người thường gọi cô là “Khách Vô Danh” và truyền tai nhau rằng cô có thể đi lạc vào cõi mộng của bất kỳ ai và dấn thân vào những cuộc phiêu lưu kỳ ảo mỗi đêm.

Cây phượng vĩ mùa Hè

Mỗi ngày đến trường, một góc sân, một cây phượng vĩ, một gốc bàng già… đều có thể trở thành những người bạn lớn của tuổi thơ chúng mình. Bạn hãy cùng đến với ngôi nhà kể chuyện để chia sẻ một bài viết rất dễ thương của bạn Đỗ Phương Anh đến từ CLB Văn học của trường Tiểu học Quỳnh Mai, Hà Nội nhé!

Chích Bông và ông Mặt Trời

Trời chiều đầu Hạ thật đẹp, ánh nắng chan hòa được ông Mặt Trời rải đều khắp mọi nơi. Năm nào cũng thế, cứ vào mùa này là ông sẽ vén mây để nhìn xuống cánh đồng bao la này được rõ hơn.

Trái táo thần kỳ

Ba ơi, nhất định phải kiên trì, nếu không những gì chúng ta đã làm chẳng phải phí công hay sao?