Nguy cơ cháy nổ tại các trường học phố cổ

Nguyễn Hà
Chật chội, hàng quán bủa vây, biển quảng cáo giăng kín quanh cổng trường học phố cổ Hà Nội. Đây có thể sẽ là nguy cơ tiềm ẩn phát cháy bất cứ lúc nào.

Những ngày qua người dân Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng về mức độ thiệt hại của vụ cháy trên phố Trần Nhân Tông, khiến 13 người tử vong. Mà nguyên nhân chính là do chập điện bắt lửa vào các biển quảng cáo quá khổ sau đó cháy lan ra các tòa nhà xung quanh. Đây sẽ là hồi chuông cảnh báo rất lớn tới các ngôi trường có chung diện tích với các hộ dân và hộ kinh doanh.

Nguy cơ cháy nổ hiện hữu ngay trước mắt

Theo khảo sát của phóng viên TNTP tại các trường học ở phố cổ Hà Nội, do không có nhiều diện tích, nhiều ngôi trường phải tách thành các điểm lẻ liền kề, thậm chí ở chung với người dân.

Trường tiểu học Võ Thị Sáu (35 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), có hơn 800 học sinh đang theo học. Tuy nhiên do thiếu đất nên ngôi trường này phải chia thành một điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ (ở ngõ 24 Trần Hưng Đạo và 18 Hàm Long). Khu hiệu bộ nằm chung với các quán cafe, quán ăn.

Nhìn vào bức ảnh trên có thể dễ nhận thấy biển quảng cáo lấn át, nổi bật hơn cả biển tên trường học, mà đó lại là nguy cơ chính bắt lửa gây cháy.

Buổi sáng chào cờ sáng thứ hai của các bạn chỉ vỏn vẹn có 10 phút, không trống không cờ vì không có không gian.

Đi sâu vào 50 theo con ngõ nhỏ chằng chịt dây điện và xe cộ để chật đường đi sẽ là lớp học của các bạn học sinh khối lớp 1,2.

Trong giờ ra chơi, gần 200 bạn học sinh phải nô đùa trong khuôn viên chung với nhà dân. Một góc thì đặt những chiếc bếp than đang rực lửa hồng, bên cạnh là chiếc tủ nhựa, tủ gỗ, dây điện vắt ngang bên trên. Chưa nói tới nguy cơ cháy nổ, nhưng với thực tại như vậy các bạn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Sân chơi của các bạn học sinh chính là chỗ sinh hoạt của các hộ dân nơi đây.

Cô Phạm Ngọc Lan, phụ huynh của một bạn đang theo học lớp 1 tại ngôi trường này cho biết: "Vì trường gần nhà và phải học đúng tuyến nên đành phải cho bạn học ở đây. Dù biết sân chơi và không gian học tập không có nhiều và thoải mái nhưng vẫn đành chấp nhận. Khi về nhà cũng chỉ biết khuyên dạy bạn í cẩn thận với những vật dụng dễ gây tổn thương ở các khu nhà dân. Còn về việc cháy nổ tại khu dân cư thì cô chưa nghĩ tới nhưng hiện tại cũng không có phương án nào khả thi hơn".

Hệ thống lưới điện tại đây cũng chằng chịt, xuống cấp, trong khi nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ quá tải, chập điện. Đặc biệt lại nằm sâu trong hẻm nhỏ, khi xảy ra cháy nổ rất khó để lực lượng phòng cháy chữa cháy tiếp cận để xử lý hiện trường.

Một điểm nhỏ khác của Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Hoàn Kiếm) Hà Nội nằm ở địa chỉ 18 Hàm Long với 6 phòng học nhỏ. Nhưng đi từ đầu ngõ, khó ai có thể tin đây lại là nơi để các bạn học sinh học tập hàng ngày. Các hàng quán bán ngang nhiên ở mặt ngõ, dù diện tích cũng chẳng rộng là bao. Dù cho có biển cấm bán hàng rong, cấm để xe trước cửa lớp, nhưng dường như vô hiệu lực.

Ngôi chùa sát cạnh trường học ở điểm trường 18 Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đối diện lớp học là một ngôi chùa, việc hương khói và đốt vàng mã hàng ngày cũng đe dọa tới trường học, các hộ dân xung quanh. Với những vật dụng dễ bắt lửa như bàn ghế gỗ, giấy, dây điện mà đặt gần khu vực có nguồn lửa thường trực như vậy cũng chẳng khác nào "bán mạng mình cho bà hỏa".

Ngôi trường này đã phải chịu cảnh chật chội chen chúc mấy chục năm nay, ước mơ về ngôi trường mới khang trang hơn có lẽ xa hơn việc các thầy cô trang bị cho học sinh của mình kiến thức về thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra. Đặc biệt là hàng ngày sống trong môi trường không biết khi nào sẽ phát cháy.

Ngọc Hà

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ cháy nổ tại các trường học phố cổ tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Miền Bắc tái diễn nồm ẩm kéo dài

Từ nay đến ngày 21/3, miền Bắc vẫn kéo dài tình trạng mưa phùn sương mù. Độ ẩm tăng cao khiến nồm ẩm trở thành nỗi "ác mộng" của thời tiết Bắc Bộ.