Sức khỏe đời sống đưa tin, theo bác sĩ Vũ Lan Anh, nhiệt miệng hay loét miệng, viêm niêm mạc miệng cấp, y học gọi bệnh áp-tơ.
Biểu hiện niêm mạc miệng viêm nhiễm, sưng nóng đỏ đau, lở loét rất khó chịu nhất là khi nhai nuốt, ăn uống; có thể là những áp-xe ở dưới lưỡi, dưới niêm mạc; nhẹ hơn là những vết loét ở lưỡi và niêm mạc miệng, khi viêm cấp thường tấy đỏ và rất đau, thậm chí sốt cao, nổi hạch góc hàm.
Đặc biệt, các vết loét cấp ở niêm mạc miệng lưỡi thường tái phát, gây đau đớn và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong đó viêm loét miệng lưỡi do áp-tơ tái phát xảy ra cho khoảng 20% dân số, thường gặp ở phái nữ và ở trẻ em.
Đa số các trường hợp bệnh giới hạn ở niêm mạc miệng - lưỡi và thường do nhiều yếu tố kết hợp: stress, ảnh hưởng nội tiết (hành kinh, có thai, mãn kinh), thiếu vitamin C, PP, B6, B12, thiếu sắt.
Người ta đã quan sát hàng trăm gia đình và nhận thấy bệnh này dường như cũng có yếu tố di truyền. Cha mẹ bị loét miệng thì trẻ nhỏ và con gái trong nhà cũng dễ bị bệnh. Ngoài ra, khoảng 15 - 25% bệnh nhân bị áp-tơ phức tạp có thiếu máu gồm: thiếu máu thiếu sắt, folate, kẽm, vitamin B12.
Để xác định nguyên nhân, cháu nên đi khám tại chuyên khoa nội hoặc da liễu, từ đó bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc thích hợp.
Những biện pháp phòng chống nhiệt miệng
Để giúp phòng chống nhiệt miệng thì các bạn có thể tận dụng các loại rau sẵn có dưới đây để trị nhiệt miệng và giải nhiệt cho cơ thể một cách nhanh chóng, bao gồm:
Rau diếp cá: lấy 1 nắm rau diếp cá, chỉ bỏ phần lá úa và phần già cỗi, có thể dùng cả cành hay cây của riếp cá, giã nát hoặc xay ra ép lấy nước cốt để uống hàng ngày. Ngày uống 2 - 3 lần, dùng liên tiếp trong 3 ngày.
Rau ngót: ép nước cốt rau ngót, cho vài giọt mật ong vào rồi dùng tăm bông thấm hỗn hợp rau ngót, mật ong vào vết loét. Ngày làm 2 - 3 lần, trong khoảng 2 - 3 ngày là khỏi, có thể kết hợp ăn canh rau ngót, mồng tơi, rau đay hay canh chua đậu bắp hàng ngày để tăng tính giải nhiệt cho cơ thể, hỗ trợ điều trị nhiệt miệng có hiệu quả nhất.
Rau húng quế: hái vài lá húng quế, rửa sạch rồi nhai kỹ sau đó nhấp vài nguộm nước lạnh. Chủ yếu là nước cốt rau húng quế, có thể nuốt cả bã hoặc nhổ đi cũng được.
Ngày ăn khoảng 5 - 6 lần như vậy sau 3 - 5 ngày sẽ khỏi nhiệt miệng.
Quả cà chua: ngậm nước ép cà chua và nuốt dần, làm như vậy thường xuyên trong ngày. Chỉ sau 2 ngày là kết quả đã khá rõ.
Bên cạnh đó đừng quên nước muối loãng để súc miệng hàng ngày. Vệ sinh răng miệng một cách tích cực cũng là cách để ngăn ngừa và chữa trị nhiệt miệng.
Ngoài những biện pháp trên thì người dùng cũng cần bổ sung thêm một số loại thực phẩm khác như:
- Uống bột sắn dây ngày 2 lần sẽ giúp bạn giảm đau rát và mau khỏi trong trường hợp bạn bị bệnh nhiệt miệng độ nhẹ.
- Để điều trị, bạn cần uống vitamin C liều cao, B2. Vitamin A cũng rất tốt vì giúp cơ thể tái tạo niêm mạc nên chóng khỏi bệnh.
- Ăn nhiều rau cải xanh hoặc cải bắp, uống nước cam, chanh.
- Lấy một nhúm hạt mè đen sắc nước ngậm nhiều lần trong ngày sẽ mau khỏi (cách này vô cùng công hiệu đối với ai thuộc thể âm hư hỏa vượng, thận âm hư…).
- Nấu nước rau má, râu ngô uống hằng ngày thay cho nước lọc, và phải uống đủ 1,5 - 2l/ngày
- Khi ăn xong súc miệng ngậm nước muối ấm pha loãng.
- Đặc biệt, trà xanh là một trong những dạng tinh chất được khuyến khích dùng để phòng ngừa bệnh nhiệt miệng vì hoạt chất kháng oxy hóa trong trà xanh có tác dụng thu ngắn thời gian phát tán của siêu vi.
Cách phòng nhiệt miệng
+ Uống ít nhất 2 lít nước lọc hàng ngày:
Bạn nên uống ít nhất 2 lít nước hàng ngày để cơ thể luôn đủ nước và cơ thể luôn được tươi mát. Đây là cách phòng bệnh nhiệt miệng nói riêng và các bệnh về nhiệt khác nói chung ít tốn kém và đơn giản nhất.
+ Hạn chế thức ăn khô, chiên, xào:
Đây là nhóm thức ăn có tính háo nước cao, hút nước từ cơ thể bạn đi khiến bạn bị thiếu nước. Nếu muốn ăn những thức ăn này thì phải uống nước đủ để bù lại phần nước bị mất. Lưu ý là cần uống nước khoáng hoặc nước biển khô vì nước lọc không thể bù nước kịp trong trường hợp này.
+ Ăn nhiều trái cây, thực phẩm có vitamin C và chất xơ:
Một số trái cây có nhiều vitamin C và chất xơ như đu đủ, ổi, cam, cà chua, kiwi, mâm xôi, dâu tây… Các loại trái cây này tăng tính mát cho cơ thể. Hạn chế ăn trái cây có màu vàng sậm, ngọt lịm như mít, sầu riêng, nhãn vì đây là các loại trái cây nhiệt đới gây nóng trong người./.
Minh Phương (tổng hợp)