Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thành kính tưởng nhớ công lao vĩ đại của vị lãnh tụ thiên tài – Người đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, tổ chức và rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – nơi hun đúc lý tưởng cách mạng, giáo dục và đào tạo thế hệ thanh niên ưu tú kế tục sự nghiệp của Đảng. Người luôn đặt niềm tin lớn lao vào vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ trong mọi giai đoạn lịch sử, từ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến xây dựng hòa bình, phát triển đất nước.
Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trước lúc đi xa, Bác viết:
“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Những lời dạy của Bác dành cho thanh niên, dù được viết cách đây nhiều thập kỷ, vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn và thời sự trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 95)
“... Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội.
Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.
Đời sống mới là:
- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
- Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
- Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa”
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 167)
“…Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”
- Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực.
Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tư lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 454-455)

…Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa…
(Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, 20/12/1961, Sđd, tập 10, trang 489)
“Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:
- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.
- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.
- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.”
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, trang 106)

“Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt”. Bác dặn dò thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, Bác nói: “Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm:
- Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.
- Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm", "gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người".
- Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.”
(Bác nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, ngày 22/9/1962)
Qua những lời dạy của Bác đối với thanh niên, chúng ta càng thấm thía tầm nhìn xa trông rộng của Người. Vai trò của tuổi trẻ, của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc vô cùng to lớn.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những lời dạy của Bác về vai trò, trách nhiệm và đạo đức cách mạng của thanh niên vẫn là kim chỉ nam cho thế hệ trẻ. Lòng yêu nước, tinh thần xung kích, sáng tạo, vượt khó vươn lên và khát vọng cống hiến là minh chứng sống động cho lý tưởng mà Bác Hồ từng gửi gắm.

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người, mỗi đoàn viên, thanh niên hôm nay càng cần tự soi lại mình, thấm nhuần lời dạy của Bác để tiếp tục học tập, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững và hùng cường.