Những điều cần nắm rõ trong chương trình phổ thông năm 2017 - 2018

Phan Thoa
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký thay Bộ trưởng Bộ GD&ĐT văn bản số 4612/BGDĐT-GDtrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018.

Ngày 1/9/2011, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số 5842/BGDĐT-VP về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản để dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của nhà trường.

Nhằm tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai một số công việc sau:

1. Thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường

Với nội dung này, Bộ GD&ĐT yêu cầu tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK.

2. Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học

Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả trên lớp và ngoài lớp học;

Chú trọng rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

3. Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá

Tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

4. Tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục

Chú trọng các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục. Các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra của cấp trên phải dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công văn số 5842/BGDĐT-VP và công văn số 7959/BGDĐT-GDTH, gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT trước 30/10/2017.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã điểm lại một số thành tựu của ngành giáo dục trong năm qua như hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, ban hành được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH và việc ban hành nhiều văn bản để khắc phục bệnh thành tích, bỏ bớt những kỳ thi, hoạt động không cần thiết…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra 5 điểm bất cập: Quản lý Nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông, mầm non "còn nhiều thứ phải làm"; Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bị chậm; Chưa chú ý việc dạy toàn diện con người; Thừa thiếu giáo cục bộ ở các địa phương; Không có kế hoạch bồi dưỡng để chuyển đổi; chưa chú ý giáo dục thường xuyên.

Từ đó, ông Đam cho rằng, trước hết, ngành giáo dục cần tập trung chỉ đạo để các trường có quan tâm việc dạy làm người cho học sinh.

Minh Anh (tổng hợp) 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những điều cần nắm rõ trong chương trình phổ thông năm 2017 - 2018 tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.