Những "hạt giống" tiềm năng của khoa học Việt Nam

Nguyễn Nhật Linh
Giành điểm cao trong Cuộc thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế IJSO 2016, Nguyễn Ngọc Đức, Nguyễn Nga Nhi và Phan Huy Đức chia sẻ, niềm đam mê khoa học chính là bí quyết để các bạn giành chiến thắng.

Những chàng trai “vàng”

Cuộc thi Olympic Khoa học trẻ Quốc tế lần thứ 13 vừa diễn ra tại Bali, Indonesia với 48 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự từ ngày 2-12/12. Đội tuyển Việt Nam với 6 thành viên dự thi thì cả 6 đều đoạt huy chương. Trong đó, có 2 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng.

IJSO là cuộc thi dành cho học sinh lứa tuổi không quá 15 do các nhà khoa học hàng đầu thế giới tổ chức. Mỗi thí sinh phải trải qua ba ngày thi với ba bài thi gồm: trắc nghiệm, thi tự luận và thi thực hành. Điểm đặc biệt là các thí sinh phải làm bài thi tổng hợp kiến thức của 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Để lọt vào danh sách dự thi, tại Việt Nam học sinh các trường phải trải qua hai vòng thi gay cấn để lựa chọn thí sinh.

Nguyễn Ngọc Đức, học sinh lớp 10 Toán 1, Trường trung học phổ thông Chuyên Hà Nội Amsterdam đạt 93.5 điểm, cao nhất toàn đoàn và là thí sinh có số điểm cao thứ 17 toàn cuộc thi. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên “mang chuông đi đánh xứ người” của Nguyễn Ngọc Đức. Trước đó, năm 2015 bạn từng giành huy chương Bạc tại cuộc thi Tin học trẻ quốc tế tại Trung Quốc.

Đức chia sẻ, niềm đam mê lớn nhất của mình chính là việc khám phá kiến thức khoa học. Đặc biệt là với môn Hóa học, cậu bạn có thể ngồi cả ngày để làm bài tập hoặc mày mò trong phòng thí nghiệm mà không mệt mỏi. Đức cho rằng, đối với các môn khoa học, khi mình càng “dấn thân” càng phát hiện ra nhiều điều lý thú. Từ đó, quá trình tư duy các vấn đề cũng logic hơn.

Khi tham dự kỳ thi IJSO, thí sinh có ba ngày để làm ba bài thi trắc nghiệm, tự luận và thực hành. Đề không quá khó so với kiến thức đã được thầy cô giáo giảng dạy và ôn luyện, nhưng Đức trăn trở nhất vẫn là phần thực hành.

Đức cho biết, toàn đội chỉ có 11 tuần ôn tập trước kỳ thi. Dù nỗ lực hết sức nhưng dù sao vẫn chưa thể tự tin so với học sinh các nước được học nhiều ở phần thực hành. “Nếu có thể, ngay từ khi còn ở bậc Trung học cơ sở, học sinh Việt Nam cần được học thực hành nhiều hơn để rèn tư duy, kỹ năng”, Đức nói.

Nhóm đội tuyển Việt Nam tham dự IJSO 2016 được lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội tặng bằng khen tuyên dương ngay tại sân bay Nội Bài.

Người giành số điểm suýt soát với Ngọc Đức chính là chàng trai cùng lớp Phan Huy Đức. Với tổng số điểm 3 môn là 93.2, Huy Đức mang về tấm huy chương Vàng và trở thành thí sinh có số điểm cao thứ 22 toàn cuộc. Trong đội tuyển IJSO lần này, Đức là chàng trai có bảng thành tích dày nhất khiến nhiều người nể phục.

15 tuổi nhưng Đức đã có 5 lần thi tài ở các đấu trường quốc tế danh giá như: Olympic Toán học quốc tế 2013, 2014, 2015 và đều đạt huy chương Vàng. Đức chia sẻ, từ nhỏ, niềm đam mê của bạn không phải là các trò chơi đủ sắc màu trong điện thoại hay tivi của bố mẹ mà chính là sách. Khi chưa biết chữ, mẹ là người truyền niềm cảm hứng yêu sách cho bạn bằng cách tối nào cũng đọc ru bạn ngủ. 4 tuổi, Đức biết đọc.

Từ đó, mỗi lần được mọi người gợi ý tặng quà gì Đức chỉ đề nghị tặng sách. Ngoài thời gian học, đọc sách, Đức chỉ giải trí bằng cách nằm nghe nhạc. “Khi mình đã bị cuốn vào niềm yêu thích sách thì chẳng có thời gian, sự quan tâm cho những thú vui khác”, Đức nói.

Tuy mới là một chàng trai ở lứa tuổi teen nhưng trò chuyện, Đức toát lên là một cậu trò có bản lĩnh, ý chí ham học. Với nhiều người, giải thưởng sau mỗi cuộc thi cũng là một động lực nhưng với Đức bạn muốn tham gia nhiều cuộc thi cả trong và ngoài nước như một cách để được học.

Hai nữ sinh lần đầu đoạt giải

Năm 2016 là lần thứ 13 Việt Nam tham gia Olympic Khoa học trẻ quốc tế, nhưng đây là năm đầu tiên Việt Nam có hai thí sinh nữ dự thi và đoạt giải. Trong đó, Nguyễn Nga Nhi học sinh lớp 10 Toán 1 giành huy chương Bạc với số điểm 90.05.

Nga Nhi cho biết, để trở thành một trong 6 thí sinh dự thi thì ngoài giải Nhì học sinh giỏi Toán cấp thành phố năm 2015, bạn đã phải trải qua 2 vòng thi với hơn 100 học sinh các trường tham gia.

Từng tham gia và đạt giải cao tại nhiều cuộc thi như Olympic Toán học quốc tế 2014, 2015 và kỳ thi APMOPS (Toán châu Á - Thái Bình Dương) nhưng cuộc thi lần này để lại trong Nhi nhiều ấn tượng và trăn trở. Nhi cho biết, phương pháp làm bài thi của cuộc thi này khác biệt khi thí sinh phải thi kiến thức tích hợp khá lý thú.

Tuy nhiên, lâu nay, đa số kiến thức trên lớp học sinh Việt Nam vẫn học riêng biệt từng môn. Có chăng, thầy cô giáo mới chỉ liên hệ kiến thức các môn khi có sự liên quan. “Vì thế, khi bước vào cuộc thi mình vừa thấy đã khám phá được điều thú vị vừa hồi hộp lo lắng”, Nhi nói.

Học giỏi từ nhỏ, yêu các môn khoa học nên khi tham dự cuộc thi lần này, điều khiến Nhi say sưa nhất là được mày mò trong phòng thực hành của các trường đại học để tiến hành thí nghiệm. Nhi chia sẻ, bạn rất thích học thực hành. Vì thế những ngày tham gia cuộc thi bạn đã có cơ hội trải nghiệm khám phá nhiều điều lý thú về khoa học, đồng thời cũng để nhận ra xem mình có thực sự yêu thích, đam mê với khoa học thực hành hay không, để từ đó có hướng đi cho riêng mình.

Theo tienphong

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những "hạt giống" tiềm năng của khoa học Việt Nam tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Gương Mặt khác

Cậu bé đa tài

“Cậu bé đa tài” hay “anh bạn nhỏ thông thái” là những lời nhận xét của thầy cô và bạn bè khi nhắc tới Nguyễn Khải - học sinh lớp 3A, trường Tiểu học Chu Văn An A (TP. Hà Nội).

"Cô Tổng" tài năng và yêu mến học trò

Hơn 16 năm công tác tại ngôi trường vùng xa của thị xã Điện Bàn, cô giáo Phan Thị Ngọc Phương (trường THCS Lê Văn Tám, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) luôn nhiệt huyết, năng động, sáng tạo trong công việc và hết lòng thương yêu học trò.

Mô hình lớp học đường phố của thầy giáo Ấn Độ

Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thầy giáo Deep Nayak, 37 tuổi, mong muốn mọi đứa trẻ đều được học hành đầy đủ. Để hiện thực hóa giấc mơ, anh dạy miễn phí cho trẻ em nghèo ngoài đường phố bang Tây Bengal, Ấn Độ.

Môi trường để bạn trẻ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (GMTVNTB) Đặng Cát Tiên và Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023 Lê Văn Phúc đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình phấn đấu vươn lên, cống hiến, đặc biệt là sự đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội, Đội giúp các bạn trở thành những tấm gương truyền cảm hứng như ngày hôm nay.

Ước mơ trở thành nhà Toán học

Ghé thăm lớp 5A7, trường Tiểu học Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nếu bạn ngỏ ý muốn gặp “cây Toán” của lớp, hẳn là các bạn trong lớp sẽ vui vẻ giới thiệu ngay cậu bạn Nguyễn Hoàng Việt – người sở hữu một loạt thành tích ấn tượng cấp Quốc gia, Quốc tế với bộ môn thú vị này