Mưa sao băng, nguyệt thực, nhật thực, trăng lạnh,... là những hiện tượng thiên văn bạn không nên bỏ lỡ trong 2 tháng cuối năm 2021.
Mưa sao băng “Sư tử" Leonids đạt cực đại
33 năm mới diễn ra một lần nên bạn đừng bỏ qua trận mưa sao băng Leonid sẽ đạt cực đạt vào ngày 17, 18/11 tới đây. Những ngôi sao băng này đến từ sao chổi Tempel-Tuttle và hoạt động hàng năm từ ngày 6 đến ngày 30/11, đạt cực đại vào giữa tháng 11.
Điều đáng tiếc nhất là thời điểm này trùng với dịp trăng tròn nên sẽ khiến bạn khó quan sát được các thiên thạch hơn.
Nguyệt thực một phần
Ngay sau mưa sao băng Leonid là tới hiện tượng nguyệt thực một phần diễn ra vào ngày 19/11. Ít ngoạn mục hơn nguyệt thực toàn phần, nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng đi qua vùng nửa tối của Trái Đất và chỉ một phần của nó đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Khi xảy ra hiện tượng này, một phần của Mặt Trăng sẽ bị khuyết đi khi nó đi qua bóng của Trái Đất.
Tuy là nguyệt thực một phần nhưng thực chất đến 95% Mặt Trăng sẽ bị bóng tối của Trái Đất che phủ. Vì thế ở pha cực đại, Mặt Trăng có thể hiện ra như nguyệt thực toàn phần trong một khoảng thời gian ngắn, với màu cam hoặc đỏ.
Bạn có thể dễ dàng quan sát hiện tượng nguyệt thực một phần trong năm nay.
Nhật thực toàn phần
Được coi là màn trình diễn thiên văn ngoạn mục nhất, nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất thẳng hàng: Mặt Trăng di chuyển trước Mặt Trời, tạm thời chặn ánh sáng của Mặt Trời và khiến Trái Đất chìm trong bóng tối. Năm nay, nhật thực toàn phần sẽ diễn ra vào ngày 4/12.
Phần duy nhất của Mặt Trời có thể nhìn thấy sẽ là Vành Nhật Hoa (Corona) khi nhìn từ Trái Đất hoặc vương miện rực lửa của nó. Lần nhật thực này sẽ không bình thường vì đường đi của nhật thực toàn phần sẽ di chuyển từ Đông sang Tây qua Tây Nam Cực, trong khi hầu hết các đường đi của nhật thực đều di chuyển từ Tây sang Đông. Sự đảo ngược này chỉ có thể thực hiện được ở các vùng cực.
Thật không may, lần Mặt Trăng "ăn" Mặt Trời này chỉ có thể được quan sát bởi các nhà khoa học và... lũ chim cánh cụt, bởi Nam Cực là nơi duy nhất trên thế giới có thể chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần. Tuy nhiên, cả Nam Phi cũng có thể quan sát được nhật thực một phần.
Mưa sao băng tiểu hành tinh Geminids
Mưa sao băng tiểu hành tinh Geminids sẽ diễn ra cực đại vào đêm 13, 14/12 và tiếp tục hoạt động mạnh vào buổi sáng ngày 15. Geminids được đánh giá là mưa sao băng đẹp nhất trên bầu trời vì tạo ra tới 120 vệt sao băng nhiều màu sắc mỗi giờ vào lúc cực đại.
Geminids là trận mưa sao băng hiếm hoi được tạo ra bởi mảnh vỡ của tiểu hành tinh chứ không phải sao chổi, đó là tiểu hành tinh hàng tỉ tuổi 3200 Phaethon.
Trăng lạnh
Hiện tượng trăng lạnh xảy ra khi Mặt Trăng ở phía đối diện của Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất, vì thế toàn bộ bề mặt của nó sẽ được Mặt Trời chiếu sáng. Sự kiện diễn ra vào lúc 11:37 giờ EST 18/12. Sở dĩ có tên trăng lạnh vì đây là thời điểm không khí lạnh bắt đầu xuất hiện và thời gian ban đêm trở nên dài hơn. Lần trăng tròn này còn được gọi là Trăng đêm dài (Long Nights Moon) và Trăng trước lễ Yule (Moon Before Yule).
Mưa sao băng Ursids
Ursids là trận mưa sao băng cuối cùng của năm 2021, do tàn dư các mảnh vụn của sao chổi 8P / Tuttle gây ra. Đợt mưa sao băng kéo dài từ ngày 17 đến 25 tháng 12, đỉnh điểm là vào đêm 21 - 22 tháng 12, trùng với pha trăng khuyết đầu tháng, do đó sẽ gây ra trở ngại đối với việc quan sát. Vì vậy, trừ khi bạn là người thích ngắm sao băng chuyên dụng, còn không có thể hãy chờ đợi trận mưa sao băng Quadrantid vào đầu tháng 1, sẽ gần với trăng non hơn và dễ bắt hơn nhiều.
Bạn mong chờ hiện tượng nào nhất?