Những chiếc bánh chưng nếp cẩm được làm từ nếp Tú Lệ trứ danh và nhuộm màu từ lá tím. Đây là món bánh truyền thống của người dân vùng miền núi phía Bắc, và cũng chỉ có ở nơi đây những chiếc bánh mới có hương vị thuần khiết cũng như sắc tím mộng mơ đến vậy.
Và để có được sắc tím đặc trưng, độc đáo là không hề đơn giản, nhuộm màu cho gạo là khâu cầu kỳ nhất trong quy trình gói bánh chưng nếp cẩm. Nguyên liệu bí truyền chính là lá Cẩm Tím, loại lá này đặc biệt hiếm, chỉ có duy nhất ở vùng núi cao Tây Bắc.
Tại đây người phụ nữ trong gia đình phải đi từ sáng sớm tinh mơ còn mờ hơi sương để thu hoạch được những giỏ lá tươi, đảm bảo yêu cầu. Họ đem về rửa sạch, cho vào nồi đun đến khi sôi sẽ có màu đỏ tía, gạo nếp trắng khi ngâm vào sẽ được nhuộm một lớp áo màu tím rất đẹp mắt.
Bánh chưng nếp cẩm khi chín khi cắt ra sẽ có vành ngoài là một màu tím mượt mà của gạo nếp, lớp thứ 2 là màu vàng của đậu xanh,bên trong là màu hồng của thịt.
Bánh chưng cốm là một sáng tạo của phố bánh cốm Hàng Than- Hà Nội.
Bánh chưng này không chỉ được ngâm lá thơm mà còn được trộn cùng những hạt cốm khô, tạo cho vỏ bánh một màu xanh ngọc đẹp mắt.
Bánh chưng cốm có màu mướt hơn bánh chưng truyền thống. Vì làm bằng nguyên liệu đặc biệt nên vỏ bánh hơi dính nhưng bù lại vỏ bánh rất dẻo và có mùi thơm đặc trưng của cốm.
Bánh chưng gấc được nhiều người lựa chọn bởi đẹp mắt và ngon miệng. Bánh chưng gấc thơm ngậy vị gấc, nhân bánh được trộn thêm đường, thịt lợn nạc nhiều hơn so với bánh truyền thống.
Bánh chưng gấc vừa dẻo, có vị mặn ngọt và màu đỏ cực đẹp. Cách gói bánh chưng gấc như gói bánh chưng xanh, nhưng khi bóc ra, ruột bánh chưng gấc đỏ au.
Bánh chưng gấc mang màu đỏ may mắn nên được nhiều gia đình lựa chọn để thắp hương trong ngày Tết.
Màu sắc của bánh chưng ngũ sắc được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên. Gạo màu xanh sử dụng từ nước của lá riềng xay, màu vàng từ nghệ tươi, màu đỏ của gấc, màu tím từ nếp cẩm hoặc màu nước lá cẩm.
Ngoài màu sắc hấp dẫn thì bánh chưng ngũ sắc còn có mùi vị rất thơm. 5 màu là 5 vị khác nhau, hòa quyện vào nhau nên rất dễ ăn, không bị ngấy.
Nhật Linh (Tổng hợp)