Chuyện chú Ong giả Bướm
Ngày xưa, có một chú Ong nhìn thấy đàn Bướm nhởn nhơ bay lượn, cảm thấy thích thú lắm. Chú bèn sắm cho mình một chiếc cánh buộc vào người và trà trộn vào đàn Bướm xinh kia. Chú tự nhận mình là Bướm.
Đến tối về tổ, trút bỏ bộ cánh ra, chú lại là Ong! Mẹ hỏi thì chú bẽn lẽn kể rằng mình bị chóng mặt nên không đi tìm hoa làm mật được. Mẹ thương chú lắm, không nghi ngờ gì cả.
Hôm sau, chú lại tiếp tục giả làm Bướm. Khi về tổ, chú lại nghĩ ra một lý do khác. Hôm thì bị say nắng. Hôm thì bị đánh rơi xô đựng mật. Hôm thì lạc đường... Cứ thế, chú Ong trượt dài trên con đường nói dối. Chiếc vòi hút mật hoa của chú lâu không dùng tới bị teo lại. Chú quên cả cách lấy mật. Các bạn Ong gặp chú trên đường không còn ai nhận ra chú là Ong.
Chú Ong – đã – bị - biến – thành – Bướm bắt đầu thấy khổ sở. Chú xấu hổ vì đã nói dối mẹ. Về tổ, chú luôn tránh ánh mắt của mẹ. Chú cũng không dám trò chuyện với mẹ như xưa. Cho đến khi, mẹ cũng không nhận ra chú nữa.
Lời nói dối hằng ngày chú vẫn nhắc đi nhắc lại “TÔI LÀ BƯỚM” đã khiến chú cũng tự nhiên tin mình là Bướm... Chú quên mất cách hút mật, chỉ biết hát ca. Nhưng than ôi, khi bay bên đàn Bướm, chú vẫn chẳng phải là một con Bướm thật sự. Lũ Bướm cũng chẳng thích chú vì chú hát không hay, trông lại kỳ quái, chẳng giống ai.
Cuộc sống của chú ONG - BƯỚM ấy thật khổ 6 sở, chẳng còn niềm vui như xưa.
Con trai bố Tấn cũng đã từng nói dối
Hôm trước, bố Tấn mua tặng hai anh em cuốn truyện Chuột Tip hay nói dối. Bố Tấn thấy con đọc xong có vẻ suy nghĩ lắm. Bố hiểu con của bố mẹ rất thật thà, nhưng có đôi lúc con đã nói sai sự thật.
Chẳng hạn, mẹ hỏi con đánh răng chưa? Con nói: “Rồi ạ!” nhưng bố biết con đang mải mê xem hoạt hình, chưa hề đánh răng. Có lần, con lấy hộp đường ra ăn cùng em, đường đổ ra bàn, kiến bu đầy. Bố hỏi thì con lại bảo tại em lấy… Rồi có hôm con lấy tiền lẻ của mẹ đi chợ về để trên bàn đi mua bim bim. Khi mẹ hỏi, con nói là không nhìn thấy. Bố thật buồn khi thấy con đã không dũng cảm nói lên sự thật...
Nói dối là một việc rất dễ phạm phải. Nhưng nói dối xong, cả trẻ con lẫn người lớn đều cảm thấy ân hận. Kể cả khi không ai biết mình nói dối, thì ít nhất vẫn có một người biết. Đó chính là mình.
Nhưng đáng sợ nhất là, nếu nói dối nhiều lần sẽ thành thói quen. Như một học giả ngày trước đã nói: “Gieo thói quen, gặt tính cách”. Lâu dần chúng ta sẽ biến hẳn thành người khác lúc nào không hay. Không ai mà không phạm lỗi lầm một vài lần. Chỉ cần nhận ra lỗi để biết tránh nó.
Con ạ, bố muốn được tin con, tin bất kỳ lời nói con nói ra. Thật vui khi có một người để mình TIN TƯỞNG. Sau này, con sẽ có một người bạn thân, người con có thể kể mọi bí mật của mình, con cũng sẽ thấy vui như thế. Bố luôn tin con. Vì thế, con đừng bao giờ nói dối nữa nhé!
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Cún bông Chăm học, số 22 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Cún bông Chăm học. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |