Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi Quy chế tuyển sinh cấp THCS, cho phép một số trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh được tổ chức thi đánh giá năng lực.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng đã nhấn mạnh: “Việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn”.
Sau khi dự thảo này được công bố đã nhận được đa số đồng thuận từ phía các phụ huynh học sinh cho tới nhà trường.
Cô Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ với GD&TĐ: Đối với những trường chuyên và những trường đặc thù có số lượng học sinh đăng ký hồ sơ vào trường cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh rất phù hợp.
Thầy Trần Quốc Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) - một ngôi trường hàng năm có khá đông học sinh có nguyện vọng nộp hồ sơ vào trường, cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này: Tuyển sinh đầu cấp theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực là rất hợp lý và cần thiết.
Cũng ủng hộ các nội dung trong dự thảo của Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng, đây là thay đổi cần thiết đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
(Ảnh Thanh niên).
Là người luôn theo sát các bạn học sinh, bậc phụ huynh luôn mong những điều tốt đẹp nhất. Hầu hết các gia đình cho rằng cần tổ chức cuộc thi đánh giá năng lực để tạo sự công bằng trong việc tuyển sinh.
Cô Ngô Thị Hảo, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Cầu Diễn chia sẻ với TNTP: "Tôi đồng tình với đề xuất này của bộ GD&ĐT, bởi lẽ theo tôi tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho các con sẽ công bằng hơn rất nhiều, các con sẽ ý thức được cần phải nỗ lực, cố gắng và được cạnh tranh một cách công bằng. Kỳ thi sẽ đánh giá được thực lực của các con tới đâu".
Cùng quan điểm với cô Hảo, chú Nguyễn Văn Hoàn, phụ huynh một bạn học sinh lớp 4, trường Tiểu học Dịch Vọng A cho rằng: "Đề xuất này của bộ GD&ĐT là hợp lí, nó sẽ làm tình trạng "tô hồng học bạ" không còn nữa. Bên cạnh đó, các con sẽ có cơ hội nhìn thấy khả năng của mình và tự đánh giá được lượng kiến thức mà mình có.
Bên cạnh đó cũng có khá nhiều bậc phụ huynh băn khoăn rằng nếu tổ chức cuộc thi đánh giá năng lực sẽ làm cho việc học thêm, dạy thêm “bùng nổ”. Có người đặt ra câu hỏi dự thảo này là “cải tiến hay cải…lùi”.
Trước những lo ngại tái diễn tình trạng dạy thêm, học thêm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn cho rằng: “Chúng tôi thấy, một số đơn vị tổ chức bài trắc nghiệm năng lực thì việc dạy thêm, học thêm các môn văn hóa ở bậc tiểu học không xảy ra. Như Trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) có bài khảo sát gần như bài phỏng vấn nhưng kiến thức tổng hợp viết bằng tiếng Anh. Như vậy có đi học thêm cũng khó làm được việc này”.
Ngọc Hà (Tổng hợp)