PLO cho biết, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành mà Bộ GD- ĐT vừa trình Chính phủ về việc miễ học phí bậc trung học cơ sở
Theo dự thảo, học phí là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí.
Ảnh minh họa (internet)
Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Cạnh đó, các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Dự thảo cũng đánh giá, giáo dục trung học cơ sở nhằm củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học, bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục lên cao hơn.
Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong bốn năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là mười một tuổi. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở, học sinh có thể học tiếp lên trung học phổ thông hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp.
Tuy nhiên, báo Thanh niên cho biết, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục hiện hành trong đó có điều luật miễn học phí tới bậc THCS, có nhiều phụ huynh thay vì ủng hộ lại xin được đóng học phí và chỉ học phí thôi.
Bạn đọc Hoàng Xuân cho biết: “Miễn học phí làm gì, cứ quy định học phí đầy đủ, trừ những vùng khó khăn. Tuy nhiên, khi đã quy định mức học phí thì các trường không được thu gì thêm, kể cả các khoản 'tự nguyện' của hội phụ huynh. Miễn học phí thì các khoản thu tự nguyện sẽ tăng, đâu lại vào đó mà không minh bạch”.
Hay bạn đọc Lê Văn Nhung thẳng thắn: “Nếu cho phép tôi xin đóng học phí. Chỉ đóng học phí thôi, không đóng bất kỳ khoản nào khác. Tiền học phí công lập thì ít mà tiền học thêm, tiền đóng góp, tiền cho các hoạt động khác thì nhiều”.
Ông Võ Quốc Bình (TP.HCM), phụ huynh từng gửi thư lên Văn phòng Chính phủ phản ánh những bức xúc về các khoản thu đầu năm học ở TP.HCM, nói rằng: “Tôi rất hoan nghênh cũng như ủng hộ quy định này. Tuy nhiên, phải đảm bảo rằng ngân sách cho các trường là phải hợp lý để hoạt động. Chứ không phải miễn hay giảm học phí thì lại cứ kiếm cách đẻ ra nhiều khoản thu khác. Nhất là các khoản thu trái quy định, không minh bạch, kiểu mất chỗ này thì kiếm cách khác bù đắp lại... Chứ để trường kêu la thiếu thốn thì chắc chắn sẽ “đẻ” ra nhiều khoản thu khác... Điều đó sẽ làm lệch lạc chủ trương”.