Theo Hãng tin AFP, các chuyên gia thuộc Đại học Thanh niên Brigham (Mỹ) và Đại học Tài chính và kinh tế trung ương Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu 681 bạn nhỏ từ 11 - 14 tuổi ở 2 thành phố của Mỹ trong 4 năm.
Nhóm chuyên gia nhận thấy những bạn khi đến tuổi vị thành niên có hành vi giúp đỡ, chia sẻ và an ủi người lạ có sự cải thiện ở lòng tự trọng và nhận thức về bản thân tốt hơn hẳn 1 năm sau đó. Tuy nhiên, điều này không được ghi nhận ở những bạn có hành vi giúp đỡ, chia sẻ và an ủi chỉ với bạn bè và gia đình.
“Nghiên cứu này cho thấy việc giúp đỡ người lạ đã tác động đến đặc tính đạo đức và những cảm nhận về bản thân một cách đáng kể hơn so với chỉ giúp đỡ trong những mối quan hệ sẵn có như bạn bè và gia đình”, Giáo sư Laura Padilla-Walker thuộc nhóm nghiên cứu phát biểu.
Phụ huynh nên làm gì khi các bạn nhỏ đến tuổi vị thành niên?
Các bậc cha mẹ đừng vội hốt hoảng khi thấy các bạn nhỏ có những biểu hiện bất thường. Hãy lắng nghe ý kiến, đừng vội phản đối, tôn trọng sự khác biệt kể cả khi các bạn sống không ngăn nắp, phòng ở bừa bộn, trang phục khác thường... Không có gì khó chịu hơn đối với vị thành niên là bị áp đặt một lối sống do người lớn đặt ra.
Nhưng ngược lại, sự quan tâm quá mức của cha mẹ cũng làm cho các bạn khi đến tuổi vị thành niên cảm thấy gò bó vì quá trình hình thành nhân cách đang trong giai đoạn biến động và chính các bạn cũng chưa hiểu nổi mình.
Đồng thời các bậc cha mẹ không nên coi nhẹ mọi vấn đề của các bạn, làm sao để giữ được lòng tin vào cha mẹ, vì lúc này các các bạn vẫn cần có cảm giác an toàn. Các bạn cần cảm thấy sự hiện diện của cha mẹ nhưng không muốn cha mẹ quá sốt sắng với cuộc sống của mình.
Minh Phương (tổng hợp)