Giờ ra chơi, hàng trăm học sinh trường Tiểu học Nghĩa Chánh ùa về một góc sân trường nơi có thư viện xanh lưu động với hàng trăm cuốn sách.
Khác với mô hình thư viện truyền thống, góc thư viện xanh lưu động tại trường Tiểu học Nghĩa Chánh được làm từ những vật liệu phế thải, gọn nhẹ và có thể di chuyển đến bất kỳ bóng mát nào trong sân trường.
Học sinh trường Tiểu học Nghĩa Chánh hào hứng đọc sách bên những vật dụng xinh xắn được làm từ vật liệu phế thải
Dưới bàn tay khéo léo của các cô giáo, những thùng xốp cũ được biến hóa thành chiếc kệ sách với những hình thù ngộ nghĩnh. Xung quanh giá sách là những bộ bàn ghế được làm từ lốp xe, thùng sơn cũ. Trong không gian đó, các cô giáo bố trí những bình hoa, chậu hoa được làm từ vỏ chai nhựa đã qua sử dụng. Những vật dụng này đã tạo nên không gian đọc sách mới lạ cho học sinh nhà trường.
Một kệ sách được làm từ thùng xốp cũ
Sau khi chọn cho mình cuốn truyện cổ tích, bạn Nguyễn Bích Pha Lê - lớp 4C, thích thú chia sẻ: "Mỗi giờ ra chơi mình thường đến đây đọc sách vì thích bộ bàn ghế được các cô làm từ lốp xe cũ. Đọc sách ở đây mát và thoải mái hơn ở trong phòng".
Đối với bạn Trần Khánh Ngân - lớp 4D, ngoài việc đọc sách thì góc thư viện xanh lưu động từ vật liệu phế thải còn là nơi để bạn "học lỏm" cách làm chậu hoa từ chai nhựa và ống hút. Ngân cho biết, sau khi được các cô giáo hướng dẫn, mình đã có được sản phẩm đầu tay của mình.
"Lúc trước mình không quan tâm lắm đến các vật liệu phế thải nhưng thấy các cô giáo làm đẹp nên mình xin hướng dẫn rồi làm theo. Mình đã làm được chậu hoa bằng chai nhựa có hình chú heo rất đẹp", Khánh Ngân hào hứng.
Theo cô Đặng Thị Thanh Diệu - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Chánh, xuất phát từ phong trào xây dựng thư viện xanh nhằm thu hút học sinh đọc sách, giáo viên nhà trường đã nảy sinh ý tưởng làm thư viện từ các vật liệu tái chế và có thể di chuyển được. Mô hình được trường triển khai thực hiện từ đầu năm học 2017 - 2018.
"Được tham gia làm thư viện từ các vật liệu tái chế cùng các cô giáo giúp học sinh hiểu hơn về ý nghĩa của việc phân loại rác thải và không vứt rác bừa bãi để bảo vệ môi trường. Đến với thư viện, các bạn sẽ học được cách giữ gìn sách, tự sắp xếp sách vào kệ ngăn nắp, dọn dẹp vệ sinh khu vực thư viện sạch sẽ sau khi đọc sách", cô Diệu cho biết.
Do được làm từ những vật liệu tái chế gọn nhẹ nên việc di chuyển, sắp xếp không gian đọc sách cho học sinh rất tiện lợi và nhanh chóng. Các cô giáo chỉ cần khoảng 30 phút là có thể biến một góc sân trường trở thành nơi đọc sách cho học sinh.
"Khi thời tiết tốt, nhà trường sẽ chọn địa điểm có bóng mát để đặt thư viện, nếu trời mưa các cô giáo di chuyển thư viện vào khu vực có mái che. Mô hình thư viện của nhà trường có thể di chuyển được đã tạo nên những không gian đọc sách mới tránh gây nhàm chán cho các em học sinh", cô Diệu chia sẻ.
Với ý tưởng mới và hiệu quả đạt được, vừa qua mô hình Thư viện xanh lưu động của trường Tiểu học Nghĩa Chánh đã đạt giải Nhất tại Ngày hội môi trường do Sở Tài nguyên - Môi trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Quảng Ngãi phối hợp tổ chức.
Theo Dân trí