Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều gia đình có tâm lý lo lắng mầm bệnh lây lan qua đường không khí cộng thêm các vấn đề như ô nhiễm, khói bụi nên thường xuyên đóng kín cửa. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm.
Thực tế, đóng kín cửa chỉ có thể ngăn bớt các tác nhân gây ô nhiễm như khói xăng xe, khói bụi chứ không thể loại bỏ hoàn toàn. Chưa kể, việc này còn khiến không khí trong nhà tù đọng, mức độ ô nhiễm, nồng độ vi khuẩn, vi rút có khả năng tăng cao.
Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà như các hoạt động thường ngày, các hạt lơ lửng trong không khí (hay còn gọi là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOC) từ bình xịt hóa chất diệt gián, diệt muỗi, sơn, keo dán, hóa chất tẩy rửa…
Ngoài ra, khói từ việc nấu ăn cũng làm tăng mật độ bụi mịn PM 2.5, chất độc hại cao hơn so với đứng ở ngoài đường. Khói sinh ra trong nấu nướng được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) liệt kê vào nhóm chất gây ung thư loại 2A.
Nếu bạn ở nhà cả ngày, lượng hoạt động tăng bao nhiêu lần thì nồng độ các chất độc hại, ô nhiễm cũng tăng bấy nhiêu lần.
Chưa kể ở các thành phố lớn, mật độ dân cư cao, việc lưu thông không khí còn khó khăn hơn. Từ đó dẫn tới việc nồng độ các chất độc hại tăng cao mà lại luẩn quẩn trong nhà, không thoát ra được, gây ra bức bí, ngột ngạt, giảm chất lượng không khí và sinh bệnh tật.
Làm thế nào để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà?
Đọc qua phần trên có lẽ bạn đã hiểu nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà rồi đúng không. Cách khắc phục tình trạng này không quá khó đâu. Bạn chỉ cần điều chỉnh lại hệ thống thông gió trong nhà là được.
Hiện nay, có hai phương pháp thông gió chính là thông gió tự nhiên và thông gió cưỡng bức. Cửa sổ, ô thoáng, cửa ra vào... thuộc kiểu thông gió tự nhiên, bạn có thể mở vào ban ngày và dùng thêm rèm cửa để ngăn ánh sáng và bụi bẩn.
Còn thông gió cưỡng bức là lắp quạt hút để hút hơi ẩm, khí CO2, mùi ẩm mốc, mùi thức ăn... ra ngoài, đón không khí tươi mát tràn vào. Từ đó, không khí được lưu thông, tăng tỉ lệ oxy, giảm nồng độ vi khuẩn, virus…