Phỏng vấn xin việc là quá trình ai cũng phải trải qua để có một công việc mơ ước. Đây là quá trình người xin việc thể hiện năng lực và trình độ bản thân để thuyết phục nhà tuyển dụng và cũng là cơ hội nhà tuyển dụng gặp mặt, cân nhắc kỹ lưỡng để chọn ứng viên tiềm năng.
Ứng viên chinh phục nhà tuyển dụng không chỉ là người có năng lực chuyên môn mà còn cần sự tinh tế, tư duy nhanh nhạy và hiểu được nhà tuyển dụng muốn gì, cần gì ở người xin việc. Cách đây không lâu, xuất hiện trong chương trình thực tế về nghề nghiệp, shark Hưng có chia sẻ đắt giá về cách đánh giá ứng viên của mình. Cụ thể, ông chỉ ra một câu ứng viên tuyệt đối không nên nói khi đi phỏng vấn nếu không muốn tạch ngay từ "vòng gửi xe".
"Khi bạn đi làm, đừng bao giờ đến nói với các sếp là em muốn đến đây để học hỏi, có cơ hội thăng tiến, để được thế này được thế kia. Vậy chúng tôi (nhà tuyển dụng) nhận được gì từ các bạn?", Shark Hưng nói.
Theo ông, khả năng học hỏi không phải là điểm cộng trong quá trình phỏng vấn nên đừng bao giờ nói rằng: "Tuy chưa có kinh nghiệm nhưng em sẽ học hỏi nhanh". Bởi vì, doanh nghiệp tuyển bạn về để làm việc chứ không có thời gian cho bạn học hỏi trau dồi.
Tuy nhiên, câu trả lời nhiều ứng viên trẻ tới xin việc thường nói rằng "em muốn tới để học hỏi" thay vì "tới để làm việc". Do đó, để đánh gục các sếp lớn, dù bạn chưa có kinh nghiệm trong nghề thì bạn cần chứng minh những giá trị có thể mang lại cho công ty mình đang ứng tuyển. Chẳng hạn như chỉ ra điểm mạnh về khả năng ngoại ngữ, làm việc nhóm, thuyết trình,... hay bất cứ tài lẻ nào, bạn đều có thể đánh gục các sếp lớn.
Đôi khi, có nhiều sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm nhưng lại đòi hỏi quyền lợi bản thân nhận được từ phía tuyển dụng. Chẳng hạn như: Sẽ được nhận được ưu đãi thế nào, lương thưởng bao nhiêu, được đào tạo ra sao, nhận được vị trí nào,...
Trong khi đó, họ lại không chỉ ra được kinh nghiệm, năng lực... có thể đáp ứng được công việc khiến ứng viên mất điểm trong quá trình phỏng vấn xin việc.
Tất nhiên đối với những người có năng lực giỏi và tích lũy kha khá kinh nghiệm, họ hoàn toàn có thể đưa ra những yêu cầu tương xứng với giá trị bỏ ra cho công việc. Còn đối với những sinh viên mới ra trường và chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm, các ông chủ cần thấy ở ứng viên sự cầu tiến, mong muốn đóng góp cho doanh nghiệp. Người xin việc cần vạch ra những hoạch định cụ thể để đối phương biết được năng lực của mình phù hợp với vị trí nghề nghiệp mà họ tìm kiếm.
Vậy nên, trong quá trình xin việc, tuyệt đối không đòi hỏi thực dụng những điều bản thân muốn nhận được nếu như bạn không đủ năng lực đảm nhận vị trí đó.