Chim cánh cụt là loài động vật rất đặc biệt, gọi là chim mà chẳng có cánh, cũng không biết bay, chưa kể chúng còn sống ở dưới nước, trong môi trường vô cùng khắc nghiệt tại Nam bán cầu – nơi nhiệt độ có thể giảm xuống tới -60 độ.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao trong môi trường mà chúng ta nghĩ tới thôi cũng muốn “cùng nhau đóng băng” thì chim cánh cụt lại có thể sống hằng ngày và lông của chúng lại chẳng hề bị đông đá?
Một nghiên cứu gần đây mới phát hiện ra rằng, vì trên lông chim cánh cụt có các rãnh li ti và được phủ thêm một lớp dầu đặc biệt nên không bao giờ bị đông thành nước đá.
Pirouz Kavehpour, một kỹ sư cơ khí tại Đại học California ở Los Angeles cùng các cộng sự đã nghiên cứu lông của loài chim cánh cụt Gentoo ở Nam Cực dưới kính hiển vi điện tử.
Họ nhận thấy rằng bề mặt của sợi lông vũ này được phủ đều bằng những lỗ nhỏ li ti có kích thước nano. Cấu trúc này lại làm phát sinh ra một hiện tượng kì lạ. Cấu trúc đầy những lỗ nano này sẽ làm cho những giọt nước lại có xu hướng trượt đi chứ không bị giữ lại và đóng băng.
Những con chim cánh cụt cũng sẽ tiết ra chất dầu từ một tuyến đặc biệt gần phần đuôi và dùng mỏ để bôi lên toàn cơ thể. Chất dầu này sẽ hoạt động tương tự như một hoạt chất chống thấm nước.
Dù vấp phải một số ý kiến cho rằng, nghiên cứu này không có giá trị. Tuy nhiên, các nhà khoa học và các kĩ sư giải thích, những phát hiện mới mẻ này sẽ giúp bổ sung cho sự phát triển của công nghệ chống đóng băng trên các cánh máy bay.
Đây thật sự là một nghiên cứu trị giá nhiều triệu đô la và giúp tăng cường cho mức độ an toàn của các loại hình hàng không dân dụng và quân sự trên toàn thế giới.