Sốt virus vào mùa, cần lưu ý những điều này nếu không muốn nằm viện

Nguyễn Như Quỳnh
Sốt virus là bệnh dễ lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ bị sốt virus gia tăng trong những ngày gần đây. Trong số những bạn nhỏ đến khám có hơn 1 nửa là sốt virus, còn lại là trẻ mắc bệnh hô hấp, viêm phổi, viêm đường hô hấp trên.

Thời tiết thay đổi, trẻ nhập viện do sốt virus.

Dễ lây từ người này sang người khác

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi thường do nhiều loại virus gây ra, phổ biến nhất là virus đường hô hấp.

Thông thường, sốt virus là bệnh dễ lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa.

Dấu hiệu sốt virus

Dấu hiệu bị sốt virus thường là sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, đi kèm 1 số dấu hiệu khác như:

Đau cơ bắp: Khi sốt virus, một số trẻ bị đau nhức khắp mình mẩy, cơ bắp; ở trẻ bé thì hay quấy khóc, đau đầu; tuy nhiên, một số trường hợp bé bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, chơi nghịch được. Ở một số bạn thường bị nổi ban sau 2 - 3 ngày bị sốt (khi xuất hiện ban thì đỡ sốt hơn). Kèm theo các dấu hiệu khác như trẻ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt có thể đỏ, có dỉ mắt,... khiến khi nhìn mọi vật bị mờ đi.

Một số bạn bị sốt cao còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở. Những trường hợp này trẻ cần được theo dõi sát sao và cho uống hạ sốt theo chỉ định, có thể sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol cho trẻ uống theo giờ 4 tiếng 1 lần. Cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hoá.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, nếu không chú ý, sốt virus có thể gây biến chứng.

 Sốt virus vẫn có biến chứng

Với sốt virus nếu điều trị hạ sốt thì khoảng 4 – 5 ngày trẻ sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp vẫn có biến chứng, đặc biệt là biến chứng viêm phổi. Đây là biến chứng nặng thường gặp, có thể bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm.

Biến chứng viêm tiểu phế quản: Hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, đây cũng là biến chứng rất nặng có thể xảy ra với trẻ nhỏ. Viêm thanh quản khiến trẻ khó thở, thở rít.

Ngoài ra, nếu trẻ hết sốt nhưng vẫn không chịu chơi, li bì, thở gấp thì cha mẹ cần cho con đi kiểm tra có thể biến chứng viêm cơ tim…

Cách chăm sóc người sốt virus

PGS Dũng khuyến cáo, khi có người nhà bị sốt virus cần tăng cường cho người bệnh ăn uống đủ chất, cặp nhiệt độ để theo dõi thường xuyên.

Hạ sốt: uống thuốc hạ sốt và Oresol để bù nước theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Đối với teen bị sốt, cần cấp cứu tại cơ sở y tế khi có các dấu hiệu sau: Sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng. Trẻ lơ mơ, li bì, xuất hiện đau đầu và co giật tăng dần...

Bác sĩ Dũng cũng đặc biệt khuyến cáo phụ huynh đo nhiệt độ cho trẻ ở nhà bằng cách cặp nhiệt kế ở nách, tuyệt đối không được đưa nhiệt kế vào miệng hoặc hậu môn của trẻ. Hai vị trí miệng hay hậu môn nếu không phải nhân viên y tế làm rất dễ sai quy trình dẫn tới nhiệt độ của trẻ không chính xác và gây nguy hiểm cho trẻ nếu trẻ cắn vỡ nhiệt kế thủy ngân ra miệng hoặc làm trầy xước chảy máu hậu môn.

Theo Danviet

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Sốt virus vào mùa, cần lưu ý những điều này nếu không muốn nằm viện tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác