Ở Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới, đèn giao thông gồm 3 màu đặc trưng: đỏ, vàng và xanh lục. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, điều này có đôi chút khác biệt. Vẫn là đỏ, vàng nhưng thay vì màu xanh lục thông thường, họ lại sử dụng màu xanh lam. Vì sao lại có sự khác biệt kỳ lạ này?
Lí do bắt nguồn từ tiếng Nhật, khi mà chỉ có 1 từ dùng để chỉ cả hai màu xanh lam và xanh lục. Trong quan niệm màu sắc của người Nhật xưa chỉ có 4 màu cơ bản: trắng, đen, đỏ và xanh. Trong đó, màu đỏ dùng để chỉ tông màu nóng nói chung và màu xanh dùng để chỉ tông màu lạnh. Vì vậy, bất cứ vật gì có màu xanh đều được mô tả bằng từ "ao" hay "aoi" - dù cho vật đó có màu xanh lam hay xanh lục.
Dần dà, đến cuối thiên niên kỷ thứ nhất, từ "midori", có nghĩa là "nảy mầm", bắt đầu được sử dụng cho màu xanh lục, xanh lá cây. Tuy nhiên, từ"midori" không được sử dụng phổ biến và đôi khi chìm vào quên lãng.
Năm 1930, giao lộ Hibiya của Nhật có đèn giao thông đầu tiên và nó được đặt là màu xanh lục. Tuy nhiên, khi hệ thống đèn giao thông phát triển thì người dân nơi đây vẫn cứ quen dùng từ "aoi" để chỉ màu xanh của tín hiệu giao thông đồng ý cho di chuyển.
Tạp chí reader’s Research của Mỹ có viết: Người dân Nhật Bản đều công khai gọi màu của tín hiệu được phép đi là "aoi" mặc dù khi ấy là màu xanh lục.
Nguyên nhân của cách gọi này một phần vì thói quen và một phần vì họ quan niệm rằng từ "midori" là điều không may mắn, không nên nhắc tới. Cách gọi này thời đó cũng đã gây khá nhiều tranh cãi đối với giới quan chức và các nhà ngôn ngữ học.
Năm 1973, chính phủ Nhật Bản đã quyết định đổi ánh sáng đèn giao thông từ màu xanh lục sang xanh lam và gắn chặt chẽ với luật pháp quốc tế. Hiện nay, khi thi giấy phép lái xe, người dân Nhật Bản vẫn phải trải qua bài kiểm tra thị giác bao gồm khả năng phân biệt màu đỏ, vàng và xanh lam chứ không phải là xanh lục.