Mới đây, thạc sĩ Nguyễn Hà Bích Vân cùng một số giáo viên trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.Hồ Chí Minh) đã khảo sát ngẫu nhiên 500 học sinh về tác động của body-shaming. Kết quả cho thấy 56% học sinh gặp phải hành vi này. Trong đó 22,4% học sinh bị rất thường xuyên, chủ yếu tập trung vào những khuyết điểm của cơ thể như vóc dáng, mặt, da, eo, mông, đùi, chân, tay, răng...
Ảnh minh họa.
Đa số học sinh đều chưa tự xử lý được vấn đề này, thậm chí còn có suy nghĩ, hành động tiêu cực như "muốn trốn cả thế giới", "tuyệt vọng muốn trốn ở nhà luôn hoặc đi phẫu thuật"...
Phản ứng chủ yếu của nạn nhân body shaming là thụ động, im lặng chịu đựng. Một số ít chọn hành vi sử dụng bạo lực với người chế nhạo mình.
Thạc sĩ Nguyễn Hà Bích Vân cho biết khi bị body shaming, các em thường có xu hướng với bạn bè hơn là với gia đình. Vì thế, những buổi nói chuyện giữa phụ huynh - học sinh, giáo viên - học sinh rất cần thiết, để có được sự thông cảm, hiểu nhau, ngăn chặn được những phản ứng tiêu cực.
Trong đó, vai trò của tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng. Thực tế, các trường đang rất thiếu những buổi học về giáo dục giới tính, trong khi nạn nhân và thủ phạm body-shaming đa số ở lứa tuổi 15-20 tuổi.
Thạc sĩ Vân cũng khuyến cáo cha mẹ học sinh cần quan tâm hơn đến con cái mình, không nên chỉ chú trọng vào điểm số mà theo dõi cả những sở thích, thay đổi bất thường của trẻ. Đặc biệt, cha mẹ không nên chỉ trích con cái, không áp đặt những kỳ vọng của mình (như giảm cân, muốn có cơ bắp…) vào con.
Theo nhóm nghiên cứu, học sinh gặp phải body shaming hiện nay là vấn đề cấp thiết nhưng các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu về lĩnh vực này, đặc biệt là tình trạng học sinh THPT ở Việt Nam, chưa được chú ý.
Số học sinh chưa hiểu về body shaming còn khá nhiều, kể cả nạn nhân và thủ phạm. Vì thế, các phòng tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng để ngăn chặn tình trạng này.
Không chỉ tư vấn, giải tỏa tâm lý, giúp học sinh vượt qua vấn đề, quan trọng hơn phải để học sinh hiểu rõ, từ đó dẫn đến thay đổi hành vi.
Quốc Hội (tổng hợp)