Thảm họa sau sóng thần ở Indonesia - tiếng khóc từ những đống đổ nát

Đội cứu hộ Indonesia đang gấp rút giải cứu các nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát sau thảm họa kép động đất, sóng thần đe dọa tính mạng của hàng nghìn người.

Guardian đưa tin Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cảnh báo số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa kép động đất, sóng thần vừa qua tại đảo Sulawesi có thể lên đến hàng nghìn người trong lúc khu vực đối mặt với hơn 150 dư chấn.

Cơ quan Giảm nhẹ Thảm họa Indonesia xác nhận hơn 832 người đã tử vong tính đến ngày 30/9. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm những nạn nhân trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Phó tổng thống Kalla cho biết giới chức "chưa có thông tin gì" về số thương vong tại Donggala, khu vực có hơn 300.000 người sinh sống. Chính quyền cũng lo sợ rằng nhiều người đã bị cuốn ra biển. 

Người đàn ông đang tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trong đống đổ nát sau thảm họa hôm 28/9. Ảnh: Getty.

Tiếng kêu ám ảnh từ đống đổ nát

Theo Cơ quan Cứu trợ Thảm họa Indonesia, ít nhất 540 người bị thương nặng đã được chuyển đến các bệnh viện trong khu vực. Những người bị thương nhẹ hơn được chữa trị tại các phòng khám tạm ngoài trời. 

Anh Dwi Haris là một trong số các nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện quân đội Palu, anh bị gãy xương vai và cột sống sau một đợt dư chấn. Trong lúc trò chuyện với phóng viên Guardian, mắt Haris ngấn lệ khi anh hồi tưởng về khoảnh khắc phòng khách sạn tầng 5, nơi anh đang ở cùng vợ và con gái, rung chuyển dữ dội. 

"Chúng tôi không có thời gian để tự cứu lấy mình. Tôi bị đè dưới một đống đổ nát", Haris kể, anh cho biết gia đình đến thành phố Palu để dự một đám cưới. "Tôi nghe tiếng vợ tôi khóc khẩn cầu sự trợ giúp, nhưng sau đó sự im lặng bao trùm căn phòng. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với vợ và con gái tôi, tôi mong họ vẫn an toàn". 

Đội cứu hộ lập tức đến khách sạn Roa Roa, họ khẳng định nghe thấy tiếng rất nhiều nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát nhưng không có đủ thiết bị để giải cứu tất cả số người này, theo Guardian.

Đến sáng 30/9, đội cứu hộ chỉ giải cứu được 5 người và ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Trong khi đó ban quản lý khách sạn Roa Roa cho biết vào thời điểm xảy ra dư chấn, tổng cộng 26 phòng khách sạn chứa đến 50 khách. 

Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm và giải cứu những nạn nhân dưới tàn tích các tòa nhà sụp đổ. Ảnh: AFP.

Cùng ngày này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đến khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề vì thảm họa kép động đất mạnh 7,5 độ và sóng thần cao 1,5 m. Trước đó, ông khẳng định quân đội đã được điều động để trợ giúp công tác tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân.

Nhiều hộ dân tại khu vực Palu và Donggala bị cắt điện, nguồn nhiên liệu dự trữ cũng dần cạn kiệt. Chính quyền địa phương lên kế hoạch chở hàng tiếp tế đến sân bay Palu, dù một số quan chức khẳng định sân bay này có khả năng bị đóng cửa trong nhiều ngày tới. 

Bờ biển khu vực Palu, nơi sinh sống của hơn 350.000 dân, chất đầy thi thể của các nạn nhân xấu số. Trong khi đó, những người sống sót tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trong những đống đổ nát gồm mái tôn, gỗ, gạch, vữa và những mảnh thuyền vỡ vụn. Tại đây, nhiếp ảnh gia của APchụp được hình ảnh một người đàn ông bồng thi thể bám đầy bùn của một đứa trẻ. 

"Nhiều thi thể bị bỏ lại trên bờ biển hoặc trôi nổi giữa những con sóng", một nhân chứng trả lời tờ báo địa phương Kompas.com.

Chàng thanh niên điều phối quả cảm 

Anh Anthonius Gunawan Agung, 21 tuổi, là một trong những trường hợp thiệt mạng đầu tiên được ghi nhận sau thảm họa kép. Anh được truyền thông ca ngợi vì quyết định ở lại trạm điều phối không lưu để đảm bảo một chiếc máy bay cất cánh an toàn mặc cho mặt đất bắt đầu rung chuyển dữ dội. 

"Khi vụ động đất xảy ra, Agung đang điều phối một chuyến bay của hãng hàng không Batik Air. Anh đợi cho đến khi chiếc máy bay cất cánh an toàn rồi mới rời khỏi cabin trạm điều phối", ông Yohanes Sirait, phát ngôn viên cơ quan điều phối hàng không quốc gia Indonesia, cho biết.

Vụ động đất làm trạm điều phối đổ sập, anh Agung nhảy khỏi cabin nhưng không thể sống sót. 

 

Hai ngày sau thảm họa kép, cư dân tại nhiều khu vực vẫn chưa thể trở về nhà và phải ngủ lại nơi cư trú tạm thời trong nỗi lo sợ không biết khi nào những đợt dư chấn tiếp theo ập đến, đe dọa mạng sống của họ và những người thân.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) đối diện làn sóng chỉ trích vì rút cảnh báo sóng thần quá sớm. Đáp lại, cơ quan này khẳng định họ thực hiện đúng quy trình và thu thập dữ liệu từ trạm cảm biến thủy triều cách Palu 200 km. 

"Chúng tôi không có bất kỳ trạm giám sát nào ở Palu, vì vậy chúng tôi buộc phải sử dụng tất cả dữ liệu mà chúng tôi có và đưa ra cảnh báo dựa vào đó", ông Rahmat Triyono, người đứng đầu trung tâm động đất và sóng thần thuộc BMKG, cho biết. 

Cảnh tượng đổ nát bên trong trung tâm thương mại ở thành phố Palu. Ảnh: AP.

Thảm họa kép xảy ra tại Indonesia hôm 28/9 khiến nhiều công trình tại Palu đổ sập, người dân hoảng loạn tìm chỗ trú trên những vùng đất cao khi những cột sóng thần ập vào thành phố. 

"Chúng tôi đều hoảng sợ và ngay lập tức chạy khỏi nhà", anh Anser Bachmid, 39 tuổi, nói. "Người dân ở đây cần được tiếp tế lương thực và nước sạch". Giới chức địa phương cho biết khoảng 17.000 người đã được đi tản.

"Đây thực sự là một thảm họa kép kinh hoàng", ông Jan Gelfand, lãnh đạo cơ quan đại diện tổ chức Chữ thập đỏ Quốc tế tại Indonesia, cho biết. "Chúng tôi chưa có thông tin gì về vùng Donggala và điều này là vô cùng đáng lo ngại".

Một số nước như Malaysia và Australia đã đưa ra đề nghị trợ giúp Indonesia. "Nếu Tổng thống Widodo cần giúp đỡ, chúng tôi luôn sẵn sàng", Thủ tướng Australia Scott Morrison nói. 

Indonesia là một trong những quốc gia thường xuyên gặp thiên tai nhất trên thế giới. Các hòn đảo của Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo thường xuyên va chạm gây ra nhiều vụ động đất và phun trào núi lửa. 

Hồi tháng 8, đảo Lombok của Indonesia hứng chịu hàng loạt vụ động đất, khiến hơn 550 người thiệt mạng. 

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, cho đến ngày 29/9, Đại sứ quán chưa ghi nhận thông tin người Việt thiệt mạng hoặc bị thương vì động đất, sóng thần. 10 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Tadulako ở thành phố Palu đều an toàn. 

Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam có thể liên hệ với số điện thoại đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia +62.8111.61025 hoặc số điện thoại tổng đài bảo hộ công dân +84.981.848484.

Theo Tri thức trực tuyến

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thảm họa sau sóng thần ở Indonesia - tiếng khóc từ những đống đổ nát tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác

Con đi trải nghiệm, phụ huynh: Người vui, người tủi, người lo lắng

Theo chia sẻ của các phụ huynh, hoạt động trải nghiệm, về cơ bản đều mang đến những khám phá mới mẻ, thú vị, bổ ích, niềm vui cho con. Tuy nhiên, việc những hoạt động này liệu đã thực sự đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ GD&ĐT, nhận được sự đồng thuận của các phụ huynh và đã thực sự đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh khi tham gia hay chưa thì còn nhiều câu hỏi cần phải giải đáp.

Hoạt động trải nghiệm cho học sinh có đang đi chệch quỹ đạo?

Môn học Hoạt động trải nghiệm đã đi vào giảng dạy chính thức tại các cấp học trên toàn quốc từ năm học 2020-2021 với ý nghĩa tốt đẹp là giáo dục nhân cách, kĩ năng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Vậy nhưng, trong quá trình giảng dạy đã nảy sinh những bất cập.