Tin GD hôm nay - Dạy học trực tuyến, ngành sân khấu truyền hình gặp nhiều khó khăn nhất

An Hảo
Tin GD hôm nay - Do tác động của dịch bệnh, phần lớn các cơ sở đào tạo phải dạy học trực tuyến nhưng ngành sân khấu truyền hình là khó thích ứng nhất.

Tin giáo dục hôm nay được biết, ngành học sân khấu điện ảnh bình thường sửa lỗi cho khoảng 20 sinh viên múa trên lớp rất nhanh nhưng khi học online giáo viên phải ghim màn hình, chỉnh sửa lần lượt rất mất thời gian. Do đó, việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến gặp nhiều khó khăn.

Tin GD hôm nay - Dạy học trực tuyến, ngành sân khấu truyền hình gặp nhiều khó khăn nhất - Ảnh 1

Giảng viên "khản giọng" để dạy múa cho sinh viên

Thạc sĩ Hoàng Kim Anh (Phó trưởng khoa Múa, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cho biết: “Do đặc thù dạy múa cho học sinh chưa biết gì, yêu cầu cô giáo thị phạm để học sinh nhìn thấy hình ảnh động tác múa đó ra sao.

Cô múa ở trên để học sinh bắt chước thực hiện lại, rồi ngay tại chỗ có thể chỉnh sửa đầu, tay, chân giúp học trò múa chính xác quy cách động tác, thể hiện rõ tính chất, phong cách múa từng dân tộc. Hay sức của bàn tay, cánh tay và độ linh hoạt của chân ra sao...

Việc này rất khó khi cô trò nhìn nhau qua màn hình. Vì thế, chúng tôi phải truyền đạt, dùng lời nói diễn tả rất nhiều”.

Học qua màn hình thì cô trò sẽ nhìn nhau đối diện (tay trái tay phải sẽ ngược nhau) cho nên để sửa cho học trò thì rất khó. Giáo viên phải quay clip trước rồi múa trực tiếp trong giờ giảng để học sinh tập theo rồi cô sẽ sửa cho từng sinh viên.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất thì không phải nhà bạn nào cũng có điều kiện để trang bị sàn tập múa, gương và gióng để vịn tay như ở trường, các bạn sinh viên người thì học trong phòng khách, người thì ở bếp, người ở ngoài sân... nhưng tất cả đều phải khắc phục để hoàn thành bài học.

Đặc biệt, các bạn ở các địa phương, vùng miền khác nhau nên học online gặp nhiều khó khăn về vấn đề tương tác khi đường truyền mạng bị chậm.

Tin giáo dục hôm nay được biết, về chuyên ngành Biên đạo múa đại chúng, cô Kim Anh cho biết bình thường giảng dạy tại trường là 60 tiết/học phần nhưng khi học online cô và trò phải tăng tiết lên gấp đôi để đạt hiệu quả mong muốn. Ngoài thời gian học đúng như quy định, cô trò còn dạy thêm những tiết học buổi tối hoặc cuối tuần.

Tin GD hôm nay - Dạy học trực tuyến, ngành sân khấu truyền hình gặp nhiều khó khăn nhất - Ảnh 1
Thạc sĩ Hoàng Kim Anh - Phó trưởng khoa Múa, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Vất vả, khó khăn là thế nhưng sau một thời gian tìm ra cách khắc phục, cô Kim Anh cho biết cả thầy và trò đều nhận ra có những điểm tích cực khi tính đến thời điểm này hiệu quả đào tạo có những kết quả nhất định.

Cô Kim Anh cho rằng: "Vì tăng thời gian dạy học, học sinh được xem trước các clip giáo viên chuẩn bị, rồi tập đi tập lại để cô giáo sửa cho nên học sinh nắm rất vững kiến thức và thực hành nhuần nhuyễn.

Các em chủ động trong việc học, tìm hiểu và rèn luyện bởi vì các em phải tự làm hoàn toàn. Ở trên lớp các em còn có thể dựa vào các bạn, nhìn các bạn tập để tập theo nhưng khi ở nhà, các em phải tự mình tập luyện để có sản phẩm chất lượng nộp cho cô".

"Sinh viên cảm nhạc tốt hơn khi kết hợp động tác múa với âm nhạc vì phải tập đi tập lại các động tác. Tuy nhiên, điều này chỉ mới giúp phát triển sinh viên tập bài ở mức độ cá nhân.

Băn khoăn đánh giá kết quả sao cho công bằng

Xác định phải vượt qua khó khăn, đồng hành cùng sinh viên trong việc dạy học mùa Covid, Thạc sĩ Đậu Nhật Minh (Phó trưởng khoa Truyền hình, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cho biết:

"Năm vừa rồi, riêng khoa Truyền hình của chúng tôi có đến 1/3 sinh viên chưa thể tốt nghiệp bởi những khó khăn trong việc thực hiện tác phẩm, bài tập tốt nghiệp do dịch Covid-19.

Đặc thù giảng dạy và học tập của các chuyên ngành trong lĩnh vực Truyền hình như Biên tập, đạo diễn, quay phim là khi làm bài tập thực hành cần phải có mặt khảo sát hiện trường, tương tác với các nhân vật, thực hiện ghi hình, phỏng vấn, giao tiếp trước ống kính. Đó không phải là công việc mà thông qua phần mềm học trực tuyến có thể làm được".

Tin GD hôm nay - Dạy học trực tuyến, ngành sân khấu truyền hình gặp nhiều khó khăn nhất - Ảnh 1

Nếu như các khóa năm nhất, năm hai, năm ba việc học hoặc thực hành có thể bổ sung vào những kỳ học sau, khi tình hình dịch bệnh không còn phức tạp, thì khóa năm thứ tư cần làm bài tốt nghiệp lại là một vấn đề khiến những người giảng dạy trực tiếp như thầy Nhật Minh rất trăn trở.

"Chúng tôi cũng đã cân nhắc về hình thức tốt nghiệp cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và tạo điều kiện tốt nhất cho các em làm bài. Nhưng về cơ bản sinh viên Quay phim, Đạo diễn hay Biên tập Truyền hình để tốt nghiệp ngoài nộp bài dưới hình thức tác phẩm truyền hình thì không thể nộp bài dưới hình thức bài viết được", thầy Minh chia sẻ.

Theo thầy Minh, Khoa Truyền hình - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã phải đưa ra những tiêu chí mới dựa vào ý kiến đánh giá của các thầy cô về sinh viên trong 4 năm học, dựa vào báo cáo tốt nghiệp của sinh viên về thuận lợi, khó khăn khi thực hiện bài tập tốt nghiệp trao đổi và thảo luận rất nhiều để đưa ra đánh giá mà các giảng viên cho rằng công tâm nhất trong điều kiện hiện tại.

"Việc học tập những chuyên ngành như khoa Truyền hình nói riêng hay những chuyên ngành cần những kỹ năng đòi hỏi thực hành nhiều khác nói chung nếu chỉ dạy và học trực tuyến về lâu về dài sẽ là một thiệt thòi lớn cho sinh viên và để lại những lỗ hổng đáng tiếc về kiến thức mà cần nhiều thời gian mới có thể bù đắp lại", thầy Minh nhận định.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tin GD hôm nay - Dạy học trực tuyến, ngành sân khấu truyền hình gặp nhiều khó khăn nhất tại chuyên mục Học đường của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Học đường khác

Việc làm tốt của Nhật Phương

Trong lớp 4A, trường Tiểu học Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai, Hà Nội), cô bạn Bùi Nhật Phương nổi bật với vẻ ngoài xinh xắn, giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện.