Tin GD hôm nay - Điểm mới về việc xét thăng hạng giáo viên và xóa mù chữ có hiệu lực từ tháng 1/2022

An Hảo
Tin GD hôm nay - Giảm thời gian xếp loại, bổ sung thêm điều kiện xét thăng hạng giáo viên; và Quy định về chương trình xoá mù chữ là những điểm nổi bật...

Theo tin giáo dục hôm nay được biết, giảm thời gian xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ để được thăng hạng, đồng thời bổ sung thêm điều kiện thăng hạng giáo viên; Quy định chi tiết chương trình xoá mù chữ là những điểm nổi bật trong hai Thông tư mới có hiệu lực trong tháng 1/2022. Trong đó:

Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/1/2022 với nhiều điểm mới quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp.  

Tin GD hôm nay - Điểm mới về việc xét thăng hạng giáo viên và xóa mù chữ có hiệu lực từ tháng 1/2022 - Ảnh 1
Giảm thời gian xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ để được thăng hạng, và bổ sung thêm điều kiện thăng hạng giáo viên là những điểm mới trong Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/1/2022

Được biết, theo quy định mới, tiêu chuẩn và điều kiện thăng hạng giáo viên đã được quy định chung cho cả trường hợp thi và đăng ký xét thăng hạng tại Điều 3 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT. Thông tư mới này đã giảm thời gian xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tiêu chuẩn và điều kiện thăng hạng giáo viên đã giảm thời gian xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ,

Khoản 2 Điều 3 Thông tư 34 quy định để được thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

So với quy định trước đây tại các Thông tư 20, Thông tư 28 năm 2017, quy định mới đã giảm thời gian này  từ 3 năm xuống chỉ còn 1 năm liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng.

Thông tư mới quy định áp dụng chung cho tất cả các cấp học, không quy định riêng với từng cấp học như trước đây tại Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT.

Cụ thể, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng II lên giáo viên hạng I được thực hiện thông qua việc xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng và kiểm tra, sát hạch theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I của mỗi cấp học.

Giáo viên hạng II dự xét thăng hạng lên giáo viên hạng I được tham dự kiểm tra, sát hạch khi điểm hồ sơ đạt 100 điểm theo thang điểm quy định tại Điều 6 Thông tư này. Việc kiểm tra, sát hạch được thực hiện bằng hình thức làm bài trắc nghiệm hoặc phỏng vấn.

Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học.

Một điểm mới khác là thay đổi về điểm chấm hồ sơ xét thăng hạng. Hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100, không làm tròn số khi cộng các điểm thành phần. Theo quy định tại thông tư mới, giáo viên sẽ không được cộng điểm tăng thêm khi tính điểm xét hồ sơ. Trước đây, ngoài các tiêu chí chấm điểm hồ sơ như trên, giáo viên còn được cộng điểm tăng thêm nếu thuộc một trong các trường hợp: Có trình độ đào tạo, trình độ ngoại ngữ, tin học cao hơn so với quy định của hạng; có thành tích được tặng bằng khen từ cấp tỉnh, Bộ trở lên.  

Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT ban hành kèm theo Chương trình xoá mù chữ có hiệu lực kể từ ngày 11/1/2022
Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT ban hành kèm theo Chương trình xoá mù chữ có hiệu lực kể từ ngày 11/1/2022

Tin giáo dục hôm nay được biết, Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT ban hành kèm theo Chương trình xoá mù chữ có hiệu lực kể từ ngày 11/1/2022 và thay thế Quyết định số 13/2007/QĐ-BGDĐT ngày 3/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình xóa mù chữ và Giáo dục tiếp tục khi biết chữ. Thông tư này áp dụng đối với các lớp xóa mù chữ tuyển sinh từ thời điểm Thông tư có hiệu lực.  

Chương trình xoá mù chữ nêu những mục tiêu, yêu cầu cần đạt cũng như kế hoạch giáo dục cụ thể của từng chương trình giáo dục . Chẳng hạn, chương trình xóa mù chữ hình thành và phát triển cho học viên những phẩm chất chủ yếu sau: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Đồng thời, có những đề mục cụ thể trong việc hình thành và phát triển cho học viên những năng lực cốt lõi sau cho người học. Cụ thể, những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua các môn học và chuyên đề học tập: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo...

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Học đường khác

Giáng sinh vui của chúng mình

Các bạn ơi, chúng mình cùng lắng nghe giai điệu Giáng sinh tươi vui, rộn ràng qua bài viết của các “cây bút nhỏ” trong Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông, Hà Nội) nhé!

Giúp học sinh tự hào về lịch sử dân tộc

Nhân kỷ niêm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Trường TH Bến Thủy (TP Vinh) đã tổ chức cho học sinh đến thăm và dâng hương tại khu di tích lịch sử Truông Bồn.

Nô nức ngày hội "Đọc sách gia đình"

Các bạn học sinh trường TH Cương Gián 2 (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vừa nô nức tham gia “Ngày hội đọc sách gia đình”. Đây là hoạt động thường niên, đầy thú vị và bổ ích dành cho học sinh nhà trường.

Gắn kết yêu thương dưới mái trường hạnh phúc

Nhiều năm qua, trường Tiểu học Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) được biết đến là một trong những ngôi trường tiêu biểu trong phong trào dạy và học của ngành Giáo dục Thủ đô. Tiếp nối truyền thống đó, nhà trường tiếp tục duy trì, phát huy hơn nữa những thành tựu mới của cô và trò nhà trường.