Hôm nay, Nga lại hỏi mượn quyển truyện mới, Linh lắc đầu, chưa kịp nói gì thì Nga đã giận dữ, hét lên: “Tớ sẽ không chơi với bạn nữa!”…
Thế là hai bạn trở nên xích mích. Vậy phải làm như thế nào để kiềm chế những cơn nóng giận gây nên mâu thuẫn đây nhỉ?
Bình tĩnh kiểm soát cảm xúc của bản thân
Một trong những lý do khiến mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng hơn là sự tức giận. Khi giận dữ, chúng ta thường không lắng nghe những gì người khác nói. Điều đó khiến tình hình trở nên rắc rối hơn.
Cách tốt nhất để giải tỏa bực bội là bạn phải có kỹ năng kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân. Bạn có thể làm theo những cách như: Hít thở sâu có thể trấn an tâm trí; Đi dạo nơi yên tĩnh để tự hỏi lại xem mình đã làm gì để tạo ra mâu thuẫn? Đếm từ 1 tới 10 hoặc 100; hoặc uống một cốc nước mát… sẽ có tác dụng giúp bạn bình tĩnh hơn.
Đặt mình vào vị trí của người khác
Chúng ta thường ít khi để ý đến cảm xúc của người khác. Hãy nhìn vào hoàn cảnh của đối phương để tìm thấy sự lý giải hợp lý cho những hành động tưởng chừng như vô lý. Từ đó chúng ta có sự đồng cảm và giải quyết những mâu thuẫn nhẹ nhàng, nhân văn hơn. Khi biết đặt mình vào vị trí người khác, bạn sẽ nhanh chóng thoát khỏi sự bực tức và chủ động làm lành với bạn.
Học sự nhường nhịn và chia sẻ
Nhường nhịn, đối xử công bằng và biết cách chia sẻ, cảm thông với người khác không chỉ giúp bạn hạn chế các mâu thuẫn xảy ra mà còn giúp bạn phát triển các kỹ năng ứng xử cần thiết cho cuộc sống sau này.
Biết cách nhận lỗi và làm lành với người khác
Bạn nên biết cách nhận lỗi và biết xin lỗi với người khác khi có những hành động hoặc lời nói sai trái. Nếu như Nga không hét vào mặt Linh mà từ tốn hỏi lý do: “Vì sao bạn không cho tớ mượn truyện?”. Linh sẽ giải thích và Nga hứa từ bây giờ sẽ giữ truyện cẩn thận hơn thì đã không có xích mích xảy ra.
Tranh cãi hoặc hiểu lầm bạn bè không có nghĩa là tình bạn chấm dứt. Bạn nên hiểu rằng nguyên nhân sâu xa của việc xích mích là do không thấu hiểu được mong muốn của nhau.
Tóm lại, khi có chuyện hiểu lầm nhau, chúng ta cần thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Kiềm chế bản thân.
- Bước 2: Lắng nghe suy nghĩ của đối phương.
- Bước 3: Nói thật suy nghĩ, quan điểm của mình.
- Bước 4: Cùng nhau tranh luận.
- Bước 5: Thống nhất cách giải quyết (Nếu không thống nhất được quan điểm, hai bạn có thể tìm sự giúp đỡ của người thứ ba: Bạn bè, thầy cô giáo, bố mẹ...).
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi đồng, số 17 năm 2024. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Cún bông Chăm học. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |