Chiều ngày 2/3, UBND TP.HCM đã điều chỉnh một số nội dung hướng dẫn kiểm soát F0, F1 trong trường học theo đề xuất của Sở Y tế, Sở GD&ĐT. Theo quy định mới, học sinh F1 không cần phải ra trung tâm y tế địa phương, bệnh viện để lấy giấy xác nhận âm tính với Covid-19.
Thay vào đó, cha mẹ có thể tự xét nghiệm nhanh cho con vào ngày thứ 5 (đối với học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine) và ngày thứ 7 (đối với học sinh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều). Cha mẹ sau đó thông báo cho giáo viên chủ nhiệm kết quả xét nghiệm bằng hình ảnh qua tin nhắn, email, zalo.
Nếu không có điều kiện xét nghiệm tại nhà, phụ huynh có thể đưa con đến trạm y tế để nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm. Kết quả sau đó cũng được báo về nhà trường theo hình thức trên. Kết quả xét nghiệm âm tính gửi đến giáo viên chủ nhiệm được xem như đủ điều kiện để học sinh quay trở lại trường học tập.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng có thay đổi về quy trình xử lý F1 tại trường học. Theo đó, sau khi xác định được F0 thì trạm y tế hoặc cơ sở y tế phối hợp với trường xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR cho học sinh, giáo viên có triệu chứng nghi nhiễm. Quy định trước đó yêu cầu trạm y tế, nhà trường phải xét nghiệm nhanh cho toàn bộ học sinh, giáo viên là F1 của lớp có F0.
Đối với quy định theo dõi sức khỏe của học sinh cùng lớp F0 cũng được thay đổi. Thay vì như trước kia, nhà trường phải lập danh sách học sinh mắc bệnh nền để theo dõi sức khỏe trong 10 ngày thì nay chỉ áp dụng cho học sinh thuộc nhóm nguy cơ (bệnh lý bẩm sinh, bệnh mạn tính, béo phì).
Phụ huynh ở nhiều trường học đã cảm thấy rất bức xúc với quy định học sinh F1 phải có giấy xác nhận âm tính của trạm y tế, bệnh viện mới được đi học trực tiếp trở lại. Việc này khiến nhiều người tốn công tốn sức, thời gian và tiền bạc. Nhiều nhà trường cũng gặp khó khăn với quy định phải xét nghiệm toàn bộ F1 khi phát hiện F0 vì không đủ tiền mua kit test, thiết bị y tế.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, F0 có chiều hướng tăng từ ngày 21 - 28/2. Trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.083 F0 trong trường học. Các quy định mới này được đưa ra nhằm giúp các cơ sở giáo dục thích ứng, triển khai linh hoạt hơn các biện pháp phòng chống dịch trong nhà trường.