Trang sức… bọ cánh cứng

Cách đây 2 nghìn năm, bọ cánh cứng có thể giá trị hơn… kim cương.
Dây chuyền vỏ chân bọ cánh cứng dài 1m được tìm thấy ở hang Atlatl, Mỹ. Ảnh: Michael Terlep, Atlasobscura.com

Ít nhất thì tại Tây Nam châu Mỹ, trong Kỷ nguyên Sơ khai II của người Pueblo Cổ đại, nó được dùng như trang sức, thể hiện cái đẹp và phô trương địa vị.

Di vật thú vị

Kỷ nguyên Sơ khai II bắt đầu từ năm 1500 trước Công nguyên và kết thúc vào năm 50. Người Pueblo Cổ đại theo lối sống du canh du cư, di chuyển và trồng ngô lấy lương thực khắp Tây Nam châu Mỹ, bước đầu giao lưu và trao đổi hàng hóa với các bộ lạc khác.

“Nông nghiệp và trao đổi hàng hóa dần dà dẫn đến sự phân cấp trong xã hội. Một số cá nhân trở nên giàu có, quyền lực hơn và muốn thể hiện vị thế của họ”, nhà khảo cổ Michael Terlep (Mỹ) giải thích.

Cách đây 2 nghìn năm, trang sức kim loại và đá quý là mặt hàng không thiếu. Các thương gia cổ đại cũng đã hình thành các tuyến đường thương mại từ Trung Đông qua châu Á, tiến cả sang phía Đông của Bắc Mỹ và vượt dãy Andes. Không rõ là do họ bỏ lỡ khu vực Tây Nam châu Mỹ hay người Pueblo Cổ đại thờ ơ với đá quý, mà khai quật các di tích ở đây không tìm thấy hiện vật nào.

Thay vì kim loại quý và đá quý, các nhà khảo cổ phát hiện một số món trang sức được làm bằng vỏ ống chân bọ cánh cứng Cotinis mutabilis, loài côn trùng có màu xanh óng ánh rất đẹp. Chúng thường là dạng dây chuyền, có lẽ đã được dùng để làm lắc tay hoặc vòng cổ.

Chế tác… tốn thời gian

Bọ cánh cứng Cotinis mutabilis, nguyên liệu chính của trang sức bọ cánh cứng. Ảnh: Tom Xay, Atlasobscura.com

Bọ cánh cứng Cotinis mutabilis là loài kiếm ăn vào ban ngày, có 3 cặp chân, con trưởng thành kích thước cơ thể dài khoảng 3,2 cm. Đây là loài chủ yếu sinh trưởng ở khu vực Tây Nam nước Mỹ, vùng đất từng tập trung nhiều nhóm người Pueblo Cổ đại sinh sống.

Chân bọ cánh cứng Cotinis mutabilis nhỏ, vỏ cũng màu xanh nhưng còn xen thêm một số màu sắc khác như tím than, nâu đỏ… “Làm trang sức với nguyên liệu vỏ chân bọ cánh cứng là công việc rất tỉ mẩn”, ông Terlep nói.

Ngoài bắt đủ số lượng bọ cánh cứng cần thiết, người Pueblo Cổ đại còn phải vặt chân, lấy thịt trong ống chân ra mà không làm vỡ vỏ, sau đó mới xâu các ống rỗng thành dây chuyền.

Năm 1999, tại di tích nơi trú ẩn bằng đá có từ trước Công nguyên ở Bears Ears, Đông Nam bang Utah, Mỹ, các nhà khảo cổ tìm thấy đoạn dây chuyền bọ cánh cứng dài 9 cm với 16 khúc ống chân.

Xung quanh Bears Ears không có bọ cánh cứng Cotinis mutabilis, chỉ có một ít bọ cánh cứng tháng 6 Cotinis nitida sinh trưởng. Chúng cũng có màu sắc tương tự như Cotinis mutabilis nhưng kích thước lại nhỏ hơn, con trưởng thành mới dài tối đa 2,2 cm.

Điều này đồng nghĩa với việc, hoàn thành một dây chuyền vỏ chân bọ cánh cứng cần rất nhiều thời gian. “Chỉ nội việc bắt đủ bọ cánh cứng Cotinis mutabilis ở nơi không phải là vùng đất sinh trưởng chính của chúng đã là dự án lớn”, ông Terlep đánh giá.

“Trong xã hội nông nghiệp, người nông dân tận dụng quỹ thời gian cho việc làm đồng áng hoặc chăm sóc con cái. Nguyên nhân khiến họ bỏ công sức vào làm dây chuyền vỏ chân bọ cánh cứng chỉ có thể vì vật này rất có giá trị”, ông Terlep lập luận.

Dây chuyền vỏ chân bọ cánh cứng siêu nổi bật, không chỉ sáng óng ánh mà còn khá tinh tế, đẹp mắt. “Tôi tin rằng, chúng được sử dụng như bất cứ món trang sức bằng kim loại quý hoặc đá quý nào khác”, ông Terlep khẳng định.

Biểu tượng địa vị

Đoạn dây chuyền bọ cánh cứng ngắn được tìm thấy ở Hang Boomerang, Mỹ. Ảnh: Ryan Belnap, Atlasobscura.com

Phân tích của ông Terlep được đông đảo giới nghiên cứu khảo cổ Mỹ đồng tình. “Nhân loại là loài thích phô trương. Chắc chắn, trong xã hội người Pueblo Cổ đại, không chỉ có 1, 2 người đeo trang sức vỏ chân bọ cánh cứng”, nhà khảo cổ William D. Lipe (Mỹ) tuyên bố.

Cũng trong năm 1999 nhưng ở hang Atlatl cách Bears Ears 20 dặm, các nhà khảo cổ tìm thấy dây chuyền vỏ chân bọ cánh cứng dài hẳn 1m với 212 vỏ ống chân. Trước đó, vào năm 1950, người ta tìm thấy đoạn dây chuyền khác ở hang Tularosa, New Mexico (Mỹ).

“Rất có khả năng, người Pueblo Cổ đại yêu thích dây chuyền vỏ chân bọ cánh cứng hơn tất cả các loại trang sức khác”, ông Lipe nói. Tuy nhiên, nhà khảo cổ này cũng cho biết, vào thập niên 1890, Tây Nam châu Mỹ bị nhiều đoàn thám hiểm lùng sục, cướp bóc. Họ từng phát hiện hang Boomerang ở Đông Nam Utah (Mỹ), lấy đi các di vật như giỏ, túi, dép và cả tấm chăn lông gà tây thuộc Kỷ nguyên Sơ khai II.

“Ngoài dây chuyền vỏ chân bọ cánh cứng, người Pueblo Cổ đại có thể còn sử dụng các món đồ xinh đẹp làm từ lông vũ, sợi thực vật, da động vật… để trưng diện và thể hiện địa vị. Vì quá say mê những tạo tác lấp lánh, tinh tế và từng mang hơi thở sự sống này, họ lạnh nhạt với kim loại quý và đá quý, ngay cả với đồng và ngọc lam đặc hữu của Tây Nam châu Mỹ”, ông Lipe suy luận.

Trên phạm vi toàn cầu, bọ cánh cứng cũng thu hút khá nhiều nền văn hóa khác. Vào thế kỷ XVIII, tại Ấn Độ, chúng là phụ kiện không thể thiếu của các bộ trang phục thượng lưu. Tại Myanmar, vỏ chân bọ cánh cứng được thêm vào rìa khăn choàng tang lễ Pwo Karen. Ở Anh thời Victoria, chúng cũng được thêu lên váy, gắn trên hoa tai…

(theo Atlasobscura/GD&TĐ)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Trang sức… bọ cánh cứng tại chuyên mục Vui - Độc - Lạ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Vui - Độc - Lạ khác

Cảnh ăn mừng gây sốt tại Olympic Paris

Gabriel Medina kết thúc phần thi đạt điểm kỷ lục 9,9 rồi được chụp lại khoảnh khắc để đời như đứng giữa không trung mừng chiến thắng ở Olympic Paris 2024.

Chuyện ngủ của muôn loài

Voi ngủ đứng hay ngồi, vịt ngủ thì nhắm hay mở mắt…, đó là những thông tin sẽ được “bật mí” ngay sau đây. Nếu bạn muốn biết thì đừng bỏ lỡ nhé!