Xâm hại tình dục trẻ em: Kì 2 - Những con đường mở

Chu Hải
TNTP - Tuy gặp không ít trở ngại trong việc tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em, nhất là trong khu vực trường học nhưng không vì vậy mà việc tuyên truyền bị đẩy lùi.

Lớp học kĩ năng nối liền thế giới

Thầy giáo Ngô Thành Nam (giáo viên Trường tiểu học Vinschool, TPHCM) nhận thấy học sinh rất thiếu kĩ năng về phòng chống xâm hại, phòng chống quấy rối tình dục. Thầy quyết định lập dự án Five Safe Fingers và mời cộng đồng giáo viên sáng tạo trên nền tảng Công nghệ Thông tin. Giáo viên ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ, Úc, Canada… rất phấn khởi và hưởng ứng nhiệt tình. Bởi với mọi người, vấn nạn “xâm hại tình dục trẻ em” không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà còn là vấn đề chung của tất cả mọi người. Thầy Nam viết riêng trang web https://mrnamvas.wixsite.com để các trường trên thế giới dễ dàng chia sẻ và kết nối các buổi học với nhau.

Tiết học kết nối Skype của trường Tiểu học Phùng Hưng (Q.11, TP.HCM) trong dự án Five Safe Fingers của thầy Ngô Thành Nam.

Dự án của thầy Ngô Thành Nam có tất cả 5 tuần. Tuần đầu tiên các bạn giới thiệu về nhau và tìm hiểu tổng quan về kiến thức, kĩ năng phòng - chống xâm hại tình dục. Tuần thứ hai, các bạn cùng chia sẻ những bài viết, kiến thức, thông tin hữu ích. Tuần thứ 3, các bạn cùng làm tiểu phẩm và vẽ bàn tay tuyên truyền về 5 quy tắc giao tiếp với ba mẹ, người thân, người quen, người lạ, người đáng ngại.

Đến tuần thứ 4, các học sinh ở nhiều quốc gia cùng trò chuyện với nhau thông qua Skype. Đến tuần cuối cùng, các bạn đến các khu dân cư, ngã tư… để phát tờ rơi tuyên truyền về dự án.

Học sinh trên thế giới tham gia dự án Five Safe Fingers của thầy Ngô Thành Nam.

Tham gia dự án này của thầy Ngô Thành Nam, cô giáo Fita SukiYani (giáo viên trường Trung học tại Yogyakarta, Indonesia) hào hứng: “Học sinh của cô cũng vô cùng thích thú khi tiếp nhận những thông tin từ dự án bởi ở Indonesia thì các em cũng rất cần kĩ năng phòng chống xâm hại và bảo vệ bản thân mình. Từ dự án này, học sinh đã được cung cấp nhiều kiến thức, từ đó, mỗi bạn tự tin là một người tuyên truyền đến cộng đồng, hàng xóm của mình!”

Từng hành động nhỏ đến thay đổi lớn

Năm 2016, tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế thực hiện dự án “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương” - giai đoạn 2 tại TP.HCM trên 4 quận huyện Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, Củ Chi. Học sinh của 48 trường Tiểu học và THCS được tiếp cận dự án đến cuối tháng 8 năm 2019.

Dự án ưu tiên hướng đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nhập cư dần dần đẩy lùi các hình thức trừng phạt thân thể và bạo lực trẻ em.

Phòng tham vấn tâm lí của trường Trần Quốc Toản (Q.Bình Tân, TP.HCM) được dời sang nơi thuận lợi và được trang trí thân thiện.

Phía tổ chức dự án, đã tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến của các bạn học sinh và triển khai ngay những công trình nhỏ để dễ dàng tiếp cận và hỗ trợ các bạn học sinh. Như trường THCS Bình Chiểu (Q.Thủ Đức) và trường THCS Trần Quốc Toản (Q.Bình Tân) đã được hỗ trợ trang trí mới phòng tham vấn tâm lí. Trước đây, phòng tham vấn tâm lí của trường Bình Chiểu được bố trí ở lầu 1. Mỗi khi các bạn có tâm tư, thắc mắc cần hỗ trợ thì các bạn chỉ nói với bạn bè mình chứ ít khi lên lầu tìm đến phòng tham vấn vì ngại và giờ ra chơi các bạn phải xuống sân trường, không ai được ở lại lầu 1. Nên khi hỏi về phòng tham vấn tâm lí, nhiều bạn lắc đầu: “Đâu có phòng tham vấn. Hình như không có làm việc”. Cũng như trường Bình Chiểu, phòng tham vấn tâm lí của trường Trần Quốc Toản (Q.Bình Tân) cũng ít có bạn nào tìm đến. Nếu có việc cần tư vấn, các bạn tìm đến giáo viên thân quen. Dần dần, phòng tham vấn tâm lí chuyển đổi thành nhà kho của trường.

Sau khi lắng nghe ý kiến, góp ý của học sinh, phía dự án “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương” đã tài trợ kinh phí thay đổi vị trí phòng tham vấn tâm lí và trang trí phòng phù hợp hơn với các bạn học sinh. Phòng tham vấn, giờ được nhiều bạn nhắc đến và tìm đến vì căn phòng được trang trí giống như một quán trà sữa. Ở đây, các bạn có thể ngồi bệt, ngã lưng và mở lòng với giáo viên tham vấn một cách dễ dàng hơn.

Với sự hỗ trợ của dự án“Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương”, học sinh của trường Bình Chiểu (Q.Thủ Đức, TP.HCM) dễ dàng bày tỏ tâm tư của mình hơn.

Còn có nhóm học sinh nòng cốt được tập huấn cho việc tuyên truyền về việc phòng chống xâm hại, phòng chống quấy rối cho lớp mình. Đầu năm học, hai bạn Hoàng Thị Hà Tiên và Trần Thị Minh Thư (lớp 9/2 trường Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) đã xuất sắc trong vai trò dẫn dắt, hướng dẫn các bạn thảo luận cách phòng chống kẻ quấy rối tình dục nơi công cộng. Cô Bạch Thị Cẩm Tú (Chủ nhiệm lớp 9/2 trường Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) cho biết: “Chính các bạn đã đề xuất nội dung và tổ chức kịch bản buổi học. Khi học sinh, nói với học sinh các bạn dễ dàng chia sẻ, trao đổi với nhau hơn”. Anh Nguyễn Lữ Gia (Quản lí dự án Trường học thân thiện và Bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương) tham dự suốt buổi chia sẻ của các bạn và rất vui: “Những cách phòng, chống của các bạn rất hay các tổ chức của các bạn rất sinh động vừa có chia sẻ, vừa có hướng dẫn thực hành…”. Đồng thời, anh Lữ Gia và giáo viên chủ nhiệm cũng bổ sung những kĩ năng để các bạn hoàn thiện tiết học của mình hơn.

Vì các bạn không biết

Vì sao có những trường hợp có bạn bị xâm hại tình dục nhiều lần nhưng lại không báo? Thạc sĩ tâm lí Võ Thị Minh Huệ chia sẻ:

Việc có những bạn bị xâm hại nhiều lần, nhưng không báo với ai vì các bạn không nhận thức được mình bị xâm hại tình dục. Các bạn có thể bị dẫn dụ bởi chính người thân, người quen trong gia đình: “Đó là thể hiện yêu thương”.

Buổi tập huấn cho học sinh nòng cốt của trường THCS Trần Quốc Toản (Q.Bình Tân, TP.HCM) trong dự án “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương”.

Đồng thời, các bạn cũng trong giai đoạn tuổi dậy thì, phần nào các bạn cũng tò mò, có một chút thích thú muốn khám phá… nên các bạn không phản ứng ngay.

Các bạn bắt đầu phản ứng, khi hiểu được hành vi xâm hại tình dục là hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật.

Vì vậy, các bạn cần biết thêm về các giai đoạn bị dẫn dụ để chủ động phòng tránh. Tốt nhất các bạn không để mình rơi vào môi trường thuận lợi để kẻ đáng ngại có cơ hội hành động.

Thưc hiện: Phương Anh - Nguyễn Thắm

Đề tài được thực hiện dưới sự tài trợ của chương trình học bổng báo chí khu vực Đông Nam Á SEAPA 2017".

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Xâm hại tình dục trẻ em: Kì 2 - Những con đường mở tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.