Xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới đáp ứng yêu cầu khoa học, thực tiễn

Bảo Bối
Chương trình giáo dục mầm non phải đạt được mục tiêu, quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược của Việt Nam về phát triển con người.

Phát biểu khai mạc hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non” vừa diễn ra gần đây do Bộ GD&ĐT tổ chức, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chương trình giáo dục mầm non được ban hành năm 2009 và đang được triển khai đồng bộ trên cả nước.

Xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới đáp ứng yêu cầu khoa học, thực tiễn - Ảnh 3Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội thảo

Hơn 10 năm qua, quá trình triển khai chương trình giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho các bậc học tiếp theo, trong đó có giáo dục phổ thông, đạt được những kết quả tốt. Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Tuy nhiên, trước yêu cầu cao hơn, xa hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình giáo dục mầm non đã tốt nhưng là chưa đủ, cần phải làm tốt hơn nữa. Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam rất nhấn mạnh phương diện phát triển con người một cách toàn diện.

Xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới đáp ứng yêu cầu khoa học, thực tiễn - Ảnh 2Chủ trì hội thảo (từ trái qua phải): Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Hình thành nhân cách, thể chất, giai đoạn giáo dục mầm non có thể nói là quan trọng bậc nhất, thậm chí mang tính quyết định. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT nhận thức được tầm quan trọng, cũng như thách thức trong xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.

Tại hội thảo, Bộ trưởng mong muốn được lắng nghe ý kiến từ các bên liên quan, đặc biệt từ chuyên gia để đưa ra được những định hướng lớn, đúng đắn nhất.

Theo đó, Chương trình giáo dục mầm non vừa tiếp cận được kinh nghiệm thế giới, khoa học với bậc học mầm non; vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam. Chương trình cũng phải đạt được các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược của Việt Nam về phát triển con người.

Xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới đáp ứng yêu cầu khoa học, thực tiễn - Ảnh 1Quang cảnh hội thảo

Trước đó, từ năm 2020 Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát, đánh giá 10 năm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.

Cuối năm 2021, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo với chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước về việc đề xuất quan điểm xây dựng chương trình giáo dục mầm non. Cùng với đó là hội thảo với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đại diện 63 tỉnh/thành phố để đánh giá việc thực hiện chương trình.

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã có đánh giá, phân tích ngành đối với giáo dục mầm non. Qua đó nhìn nhận, đánh giá chương trình giáo dục mầm non hiện hành và rút kinh nghiệm, đề xuất quan điểm xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.

(theo GD&TĐ)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới đáp ứng yêu cầu khoa học, thực tiễn tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Miền Bắc tái diễn nồm ẩm kéo dài

Từ nay đến ngày 21/3, miền Bắc vẫn kéo dài tình trạng mưa phùn sương mù. Độ ẩm tăng cao khiến nồm ẩm trở thành nỗi "ác mộng" của thời tiết Bắc Bộ.