Xem bộ chữ viết khó học hơn cả bảng chữ "Luật Záo Zụk" của PGS.TS Bùi Hiền

Thúy Quỳnh
Mặc dù bảng chữ cái của người Thái rất khó học, thế nhưng từ các cháu 10 tuổi, đến các cụ 90 tuổi và nhiều cán bộ, người dân đều hứng thú đến lớp để học.

Anh Lô May Hằng, xã Yên Na (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) kể: “Hồi còn đi học, có nhiều bạn hỏi tôi: Người Thái có chữ viết không? lúc ấy tôi chẳng biết nói gì rồi lại quay đầu đi. Nghĩ ngày ấy cũng tự ti lắm, người Kinh có chữ viết mà người Thái mình lại không, nghĩ mà buồn...!”

Người trẻ tuổi đầu tiên “đòi” học chữ Thái Lai-pao

Cả huyện Tương Dương (Nghệ An) khi nhắc đến cái tên Lô May Hằng không ai là không biết, bởi anh là người đã mày mò, học hỏi và khôi phục lại con chữ của riêng người Thái tại miền tây Nghệ An (Chữ Thái Lai-pao).

Trong cả huyện Tương Dương này, để tìm được một người đọc thông, viết thạo lại có thể truyền dạy chữ Thái cho người dân, quay đi quẩn lại cũng chỉ có mỗi anh Lô May Hằng (SN 1976) tại bản Xiềng Nứa, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Anh vừa là hội viên của hội Thái học Việt Nam, vừa là điều phối viên của mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số huyện Tương Dương. Đồng thời anh cũng là giáo viên dạy các lớp chữ Thái Lai-pao cho tất người dân trong huyện từ học sinh cho đến người già, từ cán bộ đến nông dân.

Anh Lô May Hằng, người xây dựng bộ sách chữ Thái Lai - pao cho người Thái.

Anh Hằng kể: “Hồi còn đi học, có rất nhiều bạn hỏi tôi rằng: Người Thái có chữ viết không? lúc ấy tôi chẳng biết nói gì rồi lại quay đầu đi. Nghĩ ngày ấy cũng tự ti lắm, người Kinh có chữ viết mà người Thái mình lại không có chữ viết, nghĩ mà buồn! Nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì tôi lại cảm thấy rất vui mừng và tự hào vì người Thái đã có được chữ viết của mình, chỉ nghĩ đến thôi mà trong người đã cảm thấy sướng rồi!”.

Anh Hằng nhớ lại, năm 2008 tại huyện Tương Dương có mở lớp dạy chữ Thái Lai-pao đầu tiên, nhưng bấy giờ chỉ có các cán bộ được theo học. Cho tận đến khi mở lớp thứ hai, vì quá nôn nóng muốn học chữ của người Thái mà anh đã đánh liều để đăng ký xin học. Khi vào học thì anh còn thấy hãnh diện và vinh dự hơn vì mình là người trẻ nhất được theo học. Cũng từ đó mà anh tự nhủ với chính bản thân, thầy cho ta chữ viết, nhưng ta phải đi tìm hiểu thêm về nguồn cội, truyền thống văn hóa của người thái qua từng câu chữ. Để từ đó, từng lời răn dạy của ông cha có thể truyền lại cho thế hệ sau, chứ không phải chỉ là truyền miệng như ngày trước.

Bắt đầu từ  suy nghĩ cho đến hành động, anh Hằng đã vinh dự trở thành người duy nhất được huyện cử đi học các lớp dạy chữ Thái được tổ chức tại Hà Nội. Có những lớp chỉ học vài ba tuần, nhưng cũng có lớp học kéo dài đến 2 năm. Người đàn ông ấy cũng vì cái ham muốn học chữ mà đến khi đầu có hai thứ tóc vẫn cứ thích học. Để rồi tài sản lớn nhất của anh bây giờ đó là những bằng khen, những chứng chỉ đỏ được Bộ Giáo dục chứng nhận của huyện, xã, của nhà nước về những sự cống hiến của mình đối với chữ Thái Lai-pao.

Chứng chỉ học tiếng Thái của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Để giờ đây anh có thể tự hào mà nói rằng: Người Thái đã có con chữ của riêng mình!

Làm thầy của mọi lứa tuổi

Anh Hằng chia sẻ: “Nhiều khi đứng lớp cũng ngại lắm, dạy những học viên trẻ còn đỡ, nhưng có những lớp tôi dạy có những cụ 80 – 90 tuổi vẫn cứ muốn theo học. Người Thái tại huyện Tương Dương này đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Thái, nhưng nào có ai biết viết chữ Thái đâu. Bởi vậy mà ngay từ khi mở lớp dạy, mọi người hưởng ứng tích cực lắm!”. Trong số những học viên của anh Hằng người nhỏ nhất là 10 tuổi, còn cao nhất thì có những cụ già đến 90 tuổi vẫn cứ chống gậy đến học đều.

Thầy giáo Hằng trong giờ đứng lớp dạy chữ Thái cho học sinh.

Nhưng đâu chỉ có người Thái học tiếng Thái mà ngay cả những cán bộ trên Huyện không phải người Thái hay thậm chí là những anh bộ đội, công an biên phòng tại Bản Vẽ và nhiều bản khác cũng tìm đến để học chữ. Họ học không phải vì tò mò mà muốn được hiểu thêm, biết thêm về truyền thống, tập tục của người Thái – “Đó là niềm tự hào và cũng là thành công lớn nhất của một người thầy đứng lớp như tôi, khi mà mọi người đều tích cực học và học say mê đến vậy!”.

Các học viên trong lớp học của thầy Hằng.

Tự xin tài trợ để khuyến khích học viên

Kể từ năm 2010, từ khi anh Hằng mở lớp dạy chữ thái Lai-pao đầu tiên cho đến nay cũng đã dạy được hơn 12 lớp. Có những cụ già đọc thông viết thạo như cụ Lương Tiền Phượng (85 tuổi) ở bản Vẽ, hay có những em sinh viên như em Lương Khởi Minh hiện đang là sinh viên trường Học viện Ngân Hàng cũng thường xuyên viết thư bằng chữ Thái gửi về cho gia đình. Nhưng để có được những kết quả như hiện tại thì công sức mà anh bỏ ra cũng không hề nhỏ.

“Trong quá trình giảng dạy, kinh phí cũng là một trong những vấn đề khá lo ngại. Để tổ chức một lớp học, cần phải chuẩn bị một bộ đồ dùng học tập gồm: Tài liệu chữ thái, giấy viết, bút viết cho học viên, còn chưa kể phải có phòng dạy, có bảng, phấn, cả tiền điện, nước… tất tật đều phải tự lo hết. Sức mình chẳng tính đâu nhưng nhiều khi tôi cũng muốn mở thật nhiều lớp nhưng thời gian đã ít, kinh phí thì hạn hẹp nên cũng chẳng biết làm thế nào!” – Anh Hằng nói. 

Anh nói: "Vận động mọi người học chữ mà tiền sách vở, học phí lại bắt đóng góp thì lấy ai đi học?". Nên nhiều lúc anh Hằng cũng phải “đánh liều” đi xin tài trợ chỗ này, rồi lại chạy chỗ kia, mỗi nơi một ít để có thể giúp bà con có thể tới lớp. Đôi khi, có những cuộc tổng kết lớp, anh Hằng còn đi xin tài trợ là một con lợn để liên hoan. Nhiều khi trong cái khổ lại tìm được niềm vui cũng không chừng!

Triển khai bộ sách dành riêng cho người Thái

Sau khi được nghiệm thu lần cuối vào ngày 17/11, thì đến đầu năm 2018, bộ sách chữ Thái áp dụng cho trường học và phổ cập đến mọi đứa tuổi của anh sẽ được hoàn thiện, với mong muốn sẽ được phổ cập cho học sinh từ cấp 1 cho đến cấp 3. Sau khi nghiệm thu, vào ngày 27/11 vừa qua, Bộ sách chữ Thái Lai - Pao đã được hoàn thiện và bàn giao cho Sở Khoa học tỉnh Nghệ An, sau đó sẽ được triển khai có mô hình dạy cộng đồng các đối tượng học sinh từ lớp 3- 4 cho đến học sinh cấp 3.

Bản gốc tiếng Thái Lai-pao cổ được  lưu giữ.

Hiện tại đã tổ chức hai lớp cho học sinh tại bản Lau (xã Thạch Giám) và bản Vẽ (xã Yên Na). Đối tượng từ học sinh 10 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện tại dù đã được triển khai nhưng chưa đi vào kiện toàn tổ chức, do vậy mà chưa phân rõ lớp theo độ tuổi.

Với mong muốn được học, được tiếp cận con chữ của riêng người Thái mình, mà giờ đây, các lớp dạy chữ thái của anh Hằng đã mở rộng thêm 2 lớp ở huyện Anh Sơn và 2 lớp ở  huyện Tương Dương (Nghệ An). Anh Hằng cũng cho biết thêm, sau khi bộ sách được thông qua và đưa vào triển khai tại các trường học thì trước hết sẽ tập trung tại các các trường dân tộc nội trú, sau đó là các vùng tại miền Tây Nghệ An.

Ước mong ngày nào giờ đã được thực hiện, nhưng người đàn ông ấy vẫn còn nhiều tâm sự, nhiều nỗi lo với những con chữ Thái Lai – Pao, đến bao giờ mới được thực hiện…

Ý nghĩa của cái tên chữ Thái Lai-Pao

Chữ Thái Lai-pao: Chữ Lai có nghĩa là xứ (nơi chốn); Còn chữ Pao trong từ Nậm Pao. Nậm Pao là tên gọi khác của dòng sông Lam chảy tại Nghệ An. Cũng bởi vậy mà ý nghĩ của tên gọi chữ Thái Lai-pao có nghĩa là chữ của người Thái ở sông Lam – chữ đặc trưng cho người dân huyện Tương Dương - miền Tây Nghệ An.

Nam Phương

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Xem bộ chữ viết khó học hơn cả bảng chữ "Luật Záo Zụk" của PGS.TS Bùi Hiền tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Những thành tựu từ nỗ lực giảm nghèo bền vững

Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn.