6 nội dung quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022

An Hảo
Tin giáo dục hôm nay - Ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với 63 sở GD&ĐT bàn về việc thực hiện các nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong đó có 6 nội dung quan trọng.

Tin giáo dục hôm nay được biết, tham dự hội nghị giao ban trực tuyến có đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ; lãnh đạo sở GD&ĐT và các phòng chuyên môn thuộc sở.

6 nội dung quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với 63 sở GD&ĐT.

Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh 4 nhiệm vụ chung cần triển khai thực hiện trong năm học 2021-2022. 
1- Bảo đảm an toàn trường học; chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19.
2- Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6; tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với các lớp còn lại; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trong tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
3- Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển mạng lưới trường lớp, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.
4- Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỉ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
10 nhiệm vụ được cụ thể hóa gồm:
- Tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong trường học
- Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường để chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình Covid-19 bảo đảm hoàn thành chương trình năm học
- Thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức dạy học
- Thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá
- Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng
- Phát triển mạng lưới trường lớp
- Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS
- Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục
- Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, học liệu
- Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lí giáo dục.

Theo kế hoạch thời gian năm học, thời điểm này hiện đang ở tuần 10 trong tổng số 18 tuần thực học của học kì I. Đối với việc triển khai các nhiệm vụ nói trên, thông qua chia sẻ của lãnh đạo các Sở GD&ĐT cho thấy, dù trong điều kiện dịch bệnh phức tạp nhưng các nhà trường đều làm chủ được kế hoạch dạy học. Việc chuẩn bị kĩ lưỡng các phương án tổ chức dạy học ứng phó với từng cấp độ của dịch bệnh đã giúp cho các cơ sở giáo dục sẵn sàng chuyển trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến hay ngược lại, hoặc phối hợp cả dạy học trực tuyến và trực tiếp.
Thông tin từ một số địa phương khi xuất hiện trường hợp F0 trong trường học, thực hiện khoanh vùng hẹp; không phong tỏa, không ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, không để ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các địa phương còn không ngừng nỗ lực tiêm phủ vắc-xin cho toàn bộ giáo viên và chuẩn bị các phương án để tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-18 tuổi.

6 nội dung quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 - Ảnh 3
Dù trong điều kiện dịch bệnh phức tạp nhưng các nhà trường đều làm chủ được kế hoạch dạy học

Qua báo cáo đánh giá giữa học kì I của các Sở GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 của các địa phương là nghiêm túc, thể hiện rõ tình thần chủ động, không bị lúng túng mà linh hoạt thích ứng trong điều kiện mới. Các địa phương đều nỗ lực bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh, hoàn thành chương trình theo kế hoạch và kiên trì mục tiêu chất lượng.
6 lưu ý quan trọng cũng được Thứ trưởng nhấn mạnh trong kết luận hội nghị. Trong đó:
Đặt lên hàng đầu là bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên trong điều kiện dịch bệnh. Để thực hiện điều này, Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT tiếp tục đề xuất lãnh đạo tỉnh/thành phố, quan tâm tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Bên cạnh đó, trên cơ sở Bộ tiêu chí về an toàn trường học do Bộ GD&ĐT ban hành, các địa phương xây dựng Bộ tiêu chí an toàn trường học cho các nhà trường; bảo đảm đủ các điều kiện mới đưa học sinh đến trường.
Thứ hai, tiếp tục tổ chức dạy học linh hoạt theo từng cấp độ dịch; từ đó triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch. Thực tế cho thấy, dù tạm dừng đến trường nhưng học sinh vẫn không ngừng học thông qua việc dạy học trực tuyến, học trên truyền hình…Do đó, thời điểm này nhiều tỉnh vùng dịch vẫn thực hiện chương trình ở tuần thứ 10 - theo đúng kế hoạch đã đặt ra
Thứ ba, kiên trì mục tiêu chất lượng. Thứ trưởng lưu ý các địa phương cần quan tâm tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt với các khối lớp 1, 2, 6 đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dạy học các môn tích hợp bảo đảm đúng theo logic của chương trình. Chất lượng dạy học trực tuyến phải được nâng lên. Bộ GD&ĐT đã tập huấn cho các giáo viên cốt cán về dạy học trực tuyến; đề nghị các tỉnh thành tiếp tục tập huấn đại trà cho giáo viên trên cơ sở tài liệu của Bộ và hỗ trợ của đội ngũ cốt cán. Thêm vào đó, động viên, khích lệ đội ngũ để thầy cô nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, dạy học hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng dạy học tại các nhà trường.

6 nội dung quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 - Ảnh 4
Đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá là nội dung quan trọng được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh 

Tiếp tục chú ý đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Riêng vấn đề kiểm tra, đánh giá, Thứ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT đã quy định rõ trong Thông tư 09, đề nghị các địa phương, nhà trường nghiên cứu kĩ để triển khai thực hiện. Với lớp 1, lớp 2, cố gắng không kiểm tra, đánh giá bằng trực tuyến mà qua các hình thức khác phù hợp; Vụ Giáo dục Tiểu học sẽ có hướng dẫn cụ thể, tinh thần là tạo thuận lợi nhất cho học sinh.
Thứ tư, chuẩn bị đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về chất lượng. Trong đó, đặc biệt lưu ý bố trí đủ giáo viên để dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023; nhất là giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ ở lớp 3; giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 10…
Thứ năm, về thiết bị dạy học, Thứ trưởng yêu cầu địa phương quan tâm mua sắm thiết bị bảo đảm yêu cầu; không để xảy ra tình trạng thiết bị đến trường mà không ra lớp. Với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học, THCS, THPT, Bộ GD&ĐT đã dự thảo đăng mạng và dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12 tới.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác quản lí, chỉ đạo điều hành. Về nội dung này, Thứ trưởng cho rằng, cần tăng cường quản trị trường học, bảo đảm yêu cầu kiểm soát được chất lượng, hướng tới xây dựng văn hóa chấ lượng trong nhà trường.
Với tinh thần quyết tâm cao, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tin tưởng, các địa phương, nhà trường sẽ triển khai tốt các nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong thời gian tới; đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn phòng chống dịch, hoàn thành chương trình theo kế hoạch và kiên trì mục tiêu chất lượng.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết 6 nội dung quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 tại chuyên mục Học đường của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Học đường khác

Việc làm tốt của Nhật Phương

Trong lớp 4A, trường Tiểu học Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai, Hà Nội), cô bạn Bùi Nhật Phương nổi bật với vẻ ngoài xinh xắn, giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện.