Mụn lạ
Ai cũng sẽ lo lắng khi nhìn thấy khối u nhỏ hoặc mụn ở "vùng kín" của mình. Theo bác sĩ người Mỹ Alyssa Dweck, đồng tác giả cuốn “V is for Vagina”, có nhiều nguyên nhân gây mụn ở đây nhưng đa số không quá nghiêm trọng. Đây có thể là một khối u nang bã nhờn do lông mọc ngược vào da, bác sĩ Dweck nói. Đầu tiên bạn nên ngâm nước ấm, sau đó bôi một lớp kem hydrocortisone nếu có dấu hiệu viêm nhiễm. Nếu vẫn còn đau, bạn hãy đến bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Có mùi hôi
Nếu "vùng kín" có nặng mùi một cách bất thường, bạn có thể bị nhiễm khuẩn như viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc do trùng roi trichomoniasis. Bác sĩ phụ khoa Mary Jane Minkin từ Mỹ cho biết trong trường hợp này, bạn xin ý kiến bác sỹ về việc dùng kháng sinh để đẩy lùi bệnh. Ngoài ra, một thủ phạm phổ biến gây mùi ở phụ nữ là việc bỏ quên tampon (băng vệ sinh hình trụ) hoặc bao cao su trong “vùng kín”. Trong trường hợp này, bạn phải đến bác sĩ để gắp dị vật ra khỏi cơ thể.
Chảy máu bất ngờ
Nếu bị chảy máu ngoài kỳ nguyệt san, điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến là sự mất cân bằng nội tiết tố do thuốc. Nếu chảy máu dai dẳng, bạn phải đến ngay bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng ở cổ tử cung.
Ngứa ngáy khó chịu
Bạn có cảm giác như kiến bò trong “vùng kín” và cảm giác này lặp lại nhiều lần? Đây có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng nấm men hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn, bác sĩ Minkin cho biết. Tuy nhiên, nếu bạn khám nhưng không có bệnh, đây có thể là phản ứng da đơn giản với một hóa chất nào đó như xà phòng, nước vệ sinh phụ nữ…
Khí hư bất thường
Khí hư có thể đi kèm hàng tá vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, đừng hoảng sợ nếu điều này diễn ra hằng tháng vì đây là hiện tượng sinh lý thông thường của phụ nữ, bác sĩ Dweck nói. Tuy nhiên, nếu bạn thấy khí hư của mình có màu, mùi khác lạ, hãy đến bác sĩ.
Đau khó "đi nhẹ"
Đau “vùng kín” có thể là dấu hiệu của chứng nhiễm trùng. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 2 ngày, bạn nên đến bác sĩ kiểm tra.
"Khô hạn"
Khô "vùng kín" xuất hiện ở những cô nàng đang dùng các loại thuốc như: thuốc kháng histamine hay thuốc chống trầm cảm, bác sĩ Minkin tư vấn. Cách để khắc phục tình trạng này tốt nhất là hỏi các bác sỹ về việc ngưng sử dụng thuốc hoặc thay thế bằng dạng khác.
Đau sâu bên trong
Đau sâu trong “cô bé” có thể là dấu hiệu của chứng viêm màng dạ con hoặc u nang buồng trứng. Bác sĩ có thể khám phụ khoa hoặc siêu âm để tìm ra nguyên nhân cho bạn và chữa trị triệt để.
Theo Người lao động