Tà áo dài - một góc tâm hồn của người Việt
Nếu bất chợt gặp được dáng hình tà áo dài thân thương ở một đất nước xa xôi xứ lạ, bạn sẽ có cảm nhận thế nào nhỉ? Chắc hẳn khi ấy trong lòng bạn và tôi đều trào dâng một niềm xúc động xen lẫn tự hào.
Vậy thì mời bạn cùng Cún Bông ghé thăm đất nước Nhật Bản xinh đẹp và gặp một bạn nhỏ vô cùng đáng yêu mang hai dòng máu Việt – Nhật. Tên bạn ấy là Natsumi có nghĩa là “vẻ đẹp của mùa hè” đấy bạn a. Natsumi còn có tên tiếng Việt là Phạm Hoài Hạ Mi, Tết này bạn ấy đã tròn 6 tuổi.
Cô Quế Anh, mẹ của Hạ Mi là người nghĩ ra ý tưởng đem tà áo dài truyền thống của Việt Nam sang Nhật Bản và tạo ra một sự kết hợp vô cùng tinh tế. Cô Quế Anh tâm sự rằng, mỗi khi ngắm chiếc áo dài cô lại thấy hình bóng của cả quê hương mình. Cô muốn gieo trong tâm hồn Hạ Mi bé nhỏ tình yêu với nguồn cội quê hương qua chiếc áo dài truyền thống của người Việt.
Tà áo dài - mang sứ mệnh của tinh thần kết nối
Yêu cả hai nền văn hóa, cô Quế Anh đã khéo léo đưa hình ảnh các bé búp bê mặc trang phục kimono truyền thống của người Nhật thêu trên tà áo dài “đậm chất Việt Nam” khiến bất kể ai có dịp chiêm ngưỡng cũng đều nhận ra sự giao thoa, hòa quyện đáng trân trọng và tự hào.
Chia sẻ về nguồn gốc ý tưởng may áo dài ở Nhật Bản, cô Quế Anh cho biết: “Mình rất yêu con gái và muốn con được thừa hưởng những nét đẹp của cả hai nền văn hóa Việt – Nhật. Ban đầu, mình tự may những bộ áo dài đôi cho 2 mẹ con vào dịp Tết, rồi may cho cả gia đình. Bố của Hạ Mi cũng thích mặc áo dài Việt Nam”.
Không ngờ những tà áo dài truyền thống của Việt Nam cũng đã được đón nhận nồng nhiệt ở xứ sở Hoa Anh Đào. Người Nhật vốn yêu những nét văn hóa sâu lắng nên mọi người đều nhận ra những chiếc áo dài độc đáo do cô Quế Anh thể hiện rất rõ sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Khi ấy, áo dài không chỉ là biểu tượng văn hóa của đất nước mà còn là nguồn cội của tình yêu thương.
Trái tim thuộc về đất Việt
Bạn Hạ Mi rất thích áo dài mẹ may. Cô bạn còn làm “mẫu nhí” giúp mẹ quảng cáo những tà áo được ví vào hàng “tuyệt phẩm”, đẹp từ chất liệu cho đến từng đường kim mũi chỉ.
Cô Quế Anh bật mí: “Bé Hạ Mi rất thích mặc áo dài và đi guốc mộc. Cứ mỗi lần chụp ảnh với áo dài là con lại tự giác tạo dáng rất phiêu”.
Có 3 điều cô Quế Anh muốn dạy con về văn hóa của người Việt: ăn món ăn Việt, mặc trang phục Việt và nói tiếng Việt. Trong 3 điều ấy, cô đã rất thành công ở 2 điểm đầu tiên, đó là truyền cho con tình yêu với món ăn và trang phục của quê hương mình.
Dù sinh sống ở Nhật Bản nhưng Hạ Mi luôn hướng về cội nguồn đã sinh ra mẹ của mình, và biết yêu cả những điều bình dị, thân thuộc nhất. Riêng với chiếc áo dài mẹ may, đó là biểu tượng đẹp nhất khiến bạn luôn cảm thấy mình thật “đặc biệt” và tự hào.