Cánh cung Đông Bắc ôm ấp quê hương, làng mạc tôi. Rừng núi cho tuổi thơ tôi say mê với u tịch rừng già, cheo leo đèo dốc, gồ ghề sỏi đá, mênh mang gió ngàn.
Cả nhà tôi sống dựa vào rừng. Bố mẹ tôi từ thuở kết duyên đã dựa mái nhà tranh vào chân đồi ven suối. Tôi sinh ra cái thời mẹ vẫn ăn măng rừng, gà rừng lúc mang bầu. Rừng cho cả nhà tôi kế sinh nhai. Bàn chân bố mẹ tôi bám rừng, cho chúng tôi ăn học.
Có làm rừng mới biết vất vả. Vai đeo bao đồ nặng còng xương, mồ hôi túa ra như tắm đầm đìa áo. Lũ muỗi rừng đói khát, gầy nhẳng như sợi chỉ, đánh được hơi người, mạnh bạo kéo ra như giặc. Vậy mà bố mẹ vẫn khom lưng bước lên con dốc tưởng chừng dựng đứng. Ngày lại ngày, trừ hôm mưa bão, bố mẹ đều phăng phăng bàn chân trên sỏi đá của núi đồi.
Ngày trước, bố mẹ chân trần đi rừng. Gai nhọn đâm vào, máu rỉ đau thấu xương. Đá nhọn châm nhiều, gót chân chai rắn hơn sắt đá. Tối về tôi đun nước lá giầu không cho bố mẹ ngâm chân. Nước tôi pha nóng nghi ngút hơi mà bàn chân bố mẹ ngâm chỉ thấy âm ấm.
Lớn hơn chút, tôi leo rừng với bố mẹ. Đường lên đồi thông nhựa nhà tôi phải leo qua hai quả đồi cao ngất. Tôi đi chùn chân, thở nặng nhọc. Bàn chân chưa quen với đường dốc, mỏi nhừ, đau đớn. Nhịp tim dồn dập mà nhịp bước thì chậm ì ạch, rề rề. Bố mẹ tôi cứ đi một quãng lại dừng một lát đợi tôi. Bố hay ngâm nga trong lúc đợi: “Đi đường mới biết gian lao/Núi cao rồi lại núi cao trập trùng..”. Tôi nghe tiếng bố vọng lại, chống chắc cây gậy, xốc lại chai nước nhỏ sau lưng, bặm môi bước lên, từng chút, từng chút...
Hồi cấp 2, có lần, tôi đi học, chơi trò duỗi chân ra “nu na nu nống”. Chân bạn nào cũng thon nhỏ, trắng trẻo, gót hồng. Còn tôi thì bàn chân to, gót thô, ngón chân như rễ tre. Tôi có chút tủi thân khi kể chuyện đó cho bố mẹ. Mẹ buồn buồn, còn bố thì ngồi xoa bóp đôi bàn chân đau nhức. Tôi thấy xấu hổ vô cùng. Từ đó, chẳng bao giờ tôi mảy may ý nghĩ nào đó không tốt về đôi bàn chân của tôi.
Đôi bàn chân của núi là điều mà tôi luôn tự hào mỗi khi có bạn nào đó hỏi sao bàn chân tôi “thô” thế! Tôi giải thích rằng bạn ở vùng biển có “làn da ngăm rám nắng” Bạn ở đồng ruộng chiêm trũng có bàn tay “chai sần” vì làm lụng với ngô khoai thóc lúa. Còn tôi, tôi tự hào có đôi bàn chân đậm chất núi rừng, khỏe khoắn và chất phác.
Mấy chục năm bàn chân đi nhẵn thín đường rừng, bố mẹ tôi giờ giao lại đồi thông cho lâm trường vì tuổi xế chiều, sức yếu. Bàn chân bố mẹ không phải leo rừng, tưởng sẽ thảnh thơi hơn. Nhưng mặt đất vườn nhà bằng phẳng, êm ả quá khiến hai người nhung nhớ đường rừng, đất rừng. Thi thoảng, bất giác không thấy bố mẹ ngoài vườn, tôi lại tìm được mẹ đun lá trầu không ngâm chân. Còn bố ở trên ban công, xa xăm ngắm những cánh rừng bạt ngàn trùng điệp...
Bùi Thị Xuân Chinh