Tuổi thơ của chúng ta gắn liền với rất nhiều thứ, vật dụng trong nhà mà dù bẵng đi một thời gian, khi nhìn thấy chúng, ta vẫn phải ồ lên: “Ôi cả một bầu trời tuổi thơ ùa về!”.
Trong đó, không thể không kể đến chiếc đĩa sứ in hình cô tiên bê đĩa đào quen thuộc, xuất hiện trong mỗi bữa ăn, trong mọi gian bếp. Cô tiên ấy là ai, đó có phải hình ảnh đơn thuần chỉ để trang trí cho đẹp không?
Chúng mình cùng tìm hiểu về truyền thuyết của nhân vật cô tiên ấy nhé! Được biết, cô tiên trên đĩa chính là Ma Cô tiên nữ. Theo quan niệm của người Trung Quốc, cô được đại diện cho tuổi thọ.
Truyền thuyết kể rằng vị tiên nữ này liên quan đến câu nói quen thuộc "bãi bể nương dâu" hay "thương hải tang điền" thường đi vào thơ văn. Câu chuyện về Ma Cô tiên nữ được ghi chép trong Thần tiên truyện của Cát Hồng.
Vào thời Đông Hán, có một người tên là Tế Thái, nhờ dốc lòng tu tập mà đắc đạo thành tiên. Thuở chưa phi thăng, một hôm Tế Thái đón tiếp một tiên nhân có tên Vương Phương Bình. Tiên nhân này đi cùng với một tiên nữ có tên Ma Cô. Ba người cùng gặp gỡ và đàm đạo. Khi đang trò chuyện với Vương Phương Bình, Ma Cô nói: "Từ lần gặp trước đến nay, ta đã ba lần thấy biển Đông hóa thành ruộng dâu".
Thực tế thì phải mất một thời gian khá dài, có đến cả trăm năm đến hàng vạn năm thì biển cả mới bị bồi lấp hóa thành đất đai canh tác để trồng dâu nuôi tằm.
Rồi cũng phải hàng trăm, hàng vạn năm sau nữa nương dâu mới bị nhấn chìm xuống biển. Vậy mà Ma Cô tiên nữ này mang dung mạo của cô gái chỉ 18 - 19 tuổi lại có thể thấy được những ba lần biến hóa như thế. Điều này cho thấy rằng Ma Cô đã sống được rất nhiều năm rồi.
Người Trung Quốc quan niệm, cứ vào ngày 3 tháng 3 hàng năm, Ma Cô tiên nữ sẽ đến dâng lễ mừng thọ Tây Vương Mẫu. Vì thế, ngay từ đời nhà Thanh, người ta đã vẽ hình Ma Cô bê đĩa đào để trang trí gốm sứ. Bức vẽ này được gọi là "Ma Cô hiến thọ đồ".
Theo lịch sử, "Ma Cô hiến thọ đồ" được sử dụng trang trí đầu tiên vào thời Khang Hy nhà Thanh. Trong đó, vị tiên nữ sẽ nét mặt hoan hỉ, bàn tay búp sen bưng đào tiên hoặc rượu chúc thọ. Nàng có dáng vẻ duyên dáng, lộng lẫy xinh đẹp trong những bộ quần áo thướt tha sặc sỡ sắc màu, chân cưỡi mây, dắt chim hạc hoặc cưỡi trên lưng con nai.
Sau đó bức vẽ ngày càng được phổ biến. Sau này, Ma Cô hiến thọ đồ cũng được sử dụng rộng rãi trên các đồ sứ, nhiều nhất là trên ấm, chén đĩa. Đi cùng với hình vẽ thường có thêm dòng chữ 麻姑献寿 Có nghĩa là Ma Cô hiến thọ.
Vậy là bí mật khó hiểu nhất về chiếc đĩa quen thuộc trong nhà cuối cùng cũng đã được giải đáp rồi nhé!