Hôm nay bố gọi, hai bố con nói chuyện thật nhiều, thật lâu. Nhưng câu chuyện hôm nay có khác hơn những lần trước đôi chút: Bố con mình nói chuyện chính trị - chủ đề mà có lẽ chẳng bao giờ được đề cập trong các buổi trò chuyện trong gia đình. Hôm nay, mình càng tin tưởng và củng cố niềm tin rằng: thần tượng của mình chắc chắn không ai khác, đó là người bố kính yêu.
Có thể bạn sẽ tò mò về công việc của bố mình, về nghệ nghiệp, địa vị xã hội của ông. Sự thật sẽ khác hẳn so với những gì bạn nghĩ bởi bố mình chỉ là 1 người nông dân. Bố quanh năm chân lấm tay bùn; quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; quanh năm quen thuộc với những bữa cơm trưa vội vàng trên đồng để làm cho kịp mùa thu hoạch.
Bố chịu khổ suốt cả cuộc đời chỉ đề trang trải cuộc sống của năm miệng ăn trong nhà, để có đủ tiền cho ba cô con gái đang tuổi ăn tuổi học. Bố thấm rất rõ ý nghĩa của việc học nên dù hàng xóm, dù họ hàng nội ngoại rất phản đối việc ba chị em gái mình đi học đại học thì bố vẫn quyết tâm làm lụng, đi làm xa nhà để chúng mình được tìm đến con chữ cao hơn.
Người ta bảo với bố rằng, con gái cần gì cho đi học nhiều. Học ra có kiếm được việc hay không, hay cả trăm triệu bỏ ra cho đi học rồi về để đấy cho bố mẹ một cục nợ và phải nai lưng ra trả ở tuổi xế chiều... Tốt hơn hết chúng mình học xong cấp 3 rồi cho vào khu công nghiệp làm, lương tháng những 4-5 triệu, kiếm cho tấm chồng là khỏe.
Bố mình chỉ cười và không nói gì. Ông chỉ bảo mấy chị em mình, kể cả sau này tương lai thế nào thì vẫn cho chúng mình đi học. Có học thì người ta để đôi giày khi vào nhà họ cũng sẽ khác.
Mình rất khâm phục và ngưỡng mộ bố!
Bố, ở cái tuổi 50, vẫn phải đi làm thuê, trông coi cho người ta ở tít miền nam, để có tiền cho đứa con gái này đi học Hà Nội và em gái ở nhà vào cấp 3. Bố ngủ trong căn nhà tôn dựng lên tạm bợ, chật chội và nóng bức. Dưới cái nóng gần 40 độ của Sài Gòn, bố không thể ngủ trong căn nhà tôn ấy được. Nóng lắm! Chật chội, nóng bức, thức ăn ôi thiu, quạt bật cũng không thể mát. Một mình, tự nấu, tự giặt, tự lo. Ở cái tuổi này mà bố vẫn phải cô đơn như thế. Mình thấy rất có lỗi. Nhưng bố không bao giờ than vãn nửa lời, lúc nào gọi điện cho mình cũng cười vui vẻ và kèm theo câu nói: “Chà, con gái yên tâm.”
Hôm nay, gọi điện cho bố, bố con nói chuyện tình hình thế sự trong nước hiện giờ. Bạo loạn, biểu tình và những vấn đề xung quanh. Mình hiểu biết nông cạn, chỉ biết dùng những từ ngữ không chính xác. Nghe vậy, bố liền đính chính ngay. Bố từ từ phân tích cho mình nhiều khía cạnh khiến mình vỡ ra được nhiều điều. Bố có cái nhìn rất thấu đáo, đầy đủ, không a dua, không một phía. Bố không được học nhiều, cả cuộc đời chỉ lo cơm áo gạo tiền nhưng lại rất sáng suốt. Bỗng dưng mình ước, những người dân khốn khổ khác cũng có suy nghĩ giống bố thì tốt biết bao.
Bố mình là con trưởng nhưng không có con trai, nhà mình có 3 chị em gái. Chính điều này đã khiến bố phải chịu áp lực rất nhiều, thậm chí là từ áp lực chuyển sang bị dè bỉu và cả bị khinh thường. Nhiều lần lắm, trong những mâm cơm gia tộc, mình đã khóc khi thấy bực thay cho bố. Bố không nói, cũng không trách, bố chỉ chịu đựng. Bố chỉ nói với chị em mình: “Gắng học đi con”. Còn nhớ ngày mình phấn đấu trở thành Đảng viên, bố đã vui biết nhương nào, và thái độ của họ hàng dành cho gia đình mình cũng không dám coi khinh như trước. Mình thấy vui đến lạ.
Để trưởng thành như ngày hôm nay, mình đã học được từ bố rất rất nhiều...
Đó là cách nói chuyện điềm đạm nhưng gãy gọn, súc tích, nói ít nhưng có trọng lượng và ý nghĩa. Đó là cách vượt lên những khắc nghiệt của cuộc sống để tiến lên phía trước; không oán trách cuộc đời khó khăn, bất công mà thay vào đó là cách phấn đấu để cuộc sống tốt hơn. Đó còn là cách chịu chịu khó, chịu thiếu thốn vì người mình yêu thương. Và đó cũng là cách bình tĩnh từ tốn, không bao giờ hấp tấp và vội vàng kết luận mọi vấn đề.
Từ ngày đi học xa nhà, hai bố con nói chuyện nhiều hơn. Bố dạy cho mình rất nhiều và mình học từ bố rất nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp. Sự vươn lên, chịu khó, chịu đựng của bố là nguồn động lực rất lớn, tiếp sức cho mình những ngày xa nhà mệt mỏi vì làm thêm và học tập.
Hôm vừa rồi, bạn cùng phòng hỏi mình sao có thể nói chuyện được với bố lâu như thế. Mình chỉ cười và thấy hạnh phúc quá. Sao lại không thể lâu được? Bởi nói chuyện với thần tượng của mình, tại sao lại không thể lâu?
Và mình chỉ luôn muốn nói với bố rằng: “Bố à! Con thương bố rất nhiều”.
Nguyễn Thị Giang
Huyện Nghi Lộc, Tỉnh Nghệ An
Cuộc thi "MY IDOL - THẦN TƯỢNG TRONG TÔI" do Báo điện tử Thiếu niên Tiền phong tổ chức (từ 05/06 đến 05/07) là nơi để độc giả chia sẻ những cảm xúc, câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ của mình và thần tượng,...
Bài dự thi gửi về địa chỉ email: cuocthi@thieunien.vn.
Bài dự thi ghi rõ: Bài dự thi "My idol - Thần tượng trong tôi"
- Họ tên:
- Địa chỉ:
- Điện thoại:
- Đường link Facebook:
- Thí sinh được tham gia không giới hạn số lượng bài dự thi
- Thể loại: Bài viết (1 ảnh và tối thiểu 400 chữ, tối đa 1.500 chữ)
- Bộ ảnh kèm chú thích (3-10 ảnh, tối đa 200 chữ/ảnh)
- Bài video (tối thiểu 30 giây và tối đa 5 phút)
- Ngoài ra, Ban tổ chức cũng chấp nhận các dạng bài dưới dạng tranh vẽ (Vẽ chân dung mẹ, bà, cô giáo…v.v)
- Ảnh dự thi có thể chụp bằng máy ảnh, điện thoại di động hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác. Bài ảnh và bài viết chưa từng đăng trên các báo, diễn đàn khác.
- Viết bằng tiếng Việt, có dấu, không viết tắt, không sử dụng teencode...
Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây.