Các bạn có biết, sở thích ngoáy tai sẽ gây nguy hiểm

Phan Thoa
Có rất nhiều bạn nhỏ thích ngoáy tai, tuy nhiên việc này lại không tốt chút nào cả, thậm chí còn gây điếc tai...

 Nhiều bạn có tật rất hay ngoáy tai mặc dù không ngứa hoặc không bị nước vào tai khi tắm, hay bơi lội. Tuy nhiên ngoáy tai không những không làm sạch tai mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ráy tai là hỗn hợp hòa tan trong nước của da chết, lông và chất tiết từ các tuyến nhầy ở ống tai, được hình thành ở 1/3 ngoài của ống tai, phần gần màng nhĩ không sản sinh chất này.

Ráy tai giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, không cho bụi và vi khuẩn đi sâu vào bên trong, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ.

Không chỉ dễ mắc các bệnh về tai, những người hay ngoáy tai còn có thể mắc các bệnh mũi - họng, vì 3 cơ quan này thông nhau, khi một cơ quan bị viêm, hai cơ quan còn lại cũng dễ mắc bệnh. Sở dĩ không nên ngoáy tai vì những lí do sau:

Thứ nhất, ráy tai không có hại đối với sức khỏe con người vì đó là một chất bài tiết sạch của cơ thể. Sau một thời gian tích lũy, ráy tai sẽ tự rơi ra khi ta ăn hoặc nói.

Thứ hai, trong một số trường hợp ráy tai còn có ích, đó là bảo vệ tai khỏi sự xâm nhập của các loại côn trùng nhỏ khi chúng bay vào tai. Tác hại lớn nhất của việc ngoáy tai là dễ gây tổn thương cho ống tai. Da trong ống tai rất mềm và non, nếu không cẩn thận, ống tai sẽ bị nhiễm vi khuẩn, viêm có mủ.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết,  bản thân ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ cho ống tai khỏi bị tổn thương. Nếu không có ráy tai, ống tai sẽ bị khô, ngứa và dễ bị nhiễm trùng. Ráy tai có ba dạng là ướt, khô và cứng. Với ráy ướt, việc vệ sinh đơn giản. Nhưng ráy khô và cứng sẽ khó hơn. Những chuyển động của hàm như ăn uống, nói chuyện, vận động là động tác tự đẩy ráy tai ra phía ngoài. Với trường hợp ráy không ra được, bị đóng cứng, trẻ thường có những biểu hiện như ngứa tai, ù tai, nghe kém, khó chịu và luôn có hành động kéo tai, ngoáy tai bằng tay.

“Trong trường hợp ráy khô, cứng, người lớn thường dùng bông để ngoáy tai cho trẻ. Đây là cách vô tình đẩy cục ráy vào sâu hơn, lâu ngày ráy tai sẽ tích tụ nhiều, khiến trẻ khó chịu hơn. Khi thấy trẻ bị ráy tai che kín mà không lấy ra được, cộng thêm việc trẻ kêu đau, ngoáy tai bằng tay, cần đưa trẻ đi bác sĩ chuyên khoa kiểm tra. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ có hướng xử lý cụ thể”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải nói.

Nếu làm rách màng nhĩ thì vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, ngoáy tai không phải là một thói quen tốt. Khi ráy tai tích lại nhiều, gây ngứa ngáy khó chịu, cần phải ngoáy tai, nhưng tốt nhất là dùng đầu bông tăm sạch, tuyệt đối không dùng những que cứng hoặc nhọn để ngoáy tai.

Với trẻ em, ráy tai chỉ thực sự gây rắc rối trong hai trường hợp :Khi chúng tích tụ quá nhiều, cản trở việc quan sát màng nhĩ của bác sĩ trong lúc thăm khám hoặc khi chúng gây tắc nghẽn hoàn toàn ống tai ngoài. Lúc này thính lực của trẻ có thể bị giảm.

Cha mẹ có thể làm mềm ráy tai bằng dầu oliu hoặc bằng dung dịch oxy già pha loãng dưới sự hướng dẫn của bác sỹ.

Cách an toàn nhất khi xử lý ráy tai là dùng thuốc (do bác sĩ kê toa) nhỏ vài giọt vào mỗi bên tai. Khi ấy, ráy tai sẽ nở, mềm, rất dễ dàng cho việc lấy ra. Trường hợp ráy tai cứng, khó lấy, nên đưa trẻ đến bác sĩ để xử lý. Người lớn không nên cố lấy ráy tai bằng những vật sắc, nhọn vì dễ gây trầy xước tai, thậm chí còn đẩy ráy tai vào sâu hơn. Với trẻ nhỏ dưới 18 tháng, nên vệ sinh tai nhẹ nhàng bằng khăn mềm, nước ấm. Với trẻ trên 18 tháng, khi ráy tai đã khá nhiều, thì bên cạnh việc vệ sinh hàng ngày bằng khăn, bông mềm, nếu vẫn không xử lý được ráy cứng, khô, nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa.

Minh Anh (tổng hợp) 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Các bạn có biết, sở thích ngoáy tai sẽ gây nguy hiểm tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Bài tập mắt cho người cận thị

Thực hiện đều đặn các bài tập cận thị giúp lưu thông máu tốt hơn, tăng cường cử động nhãn cầu, thư giãn mắt, giảm nhức mỏi và hạn chế sự tiến triển của cận thị.