Các Tổng Bí thư trong lịch sử 95 năm của Đảng

PV
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 -3/2/2025), xin giới thiệu với các độc giả nhỏ tuổi về các Tổng Bí thư của Đảng trong lịch sử.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 -1969), quê Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Bác là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Tư liệu Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người giữ chức Chủ tịch Đảng từ tháng 2/1951 đến tháng 9/1969; Người là Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 10/1956 đến tháng 9/1960.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.

2. Trần Phú

Cố Tổng Bí thư Trần Phú (1904 -1931), quê huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tháng 10/1930, ông được bầu làm Tổng Bí thư vào năm 1930. Trong quá trình hoạt động, tháng 4/1931, ông bị Thực dân Pháp bắt. Trước sự tra tấn và đày ải của kẻ thù, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã hy sinh ngày 6/9/1931. Trước lúc hy sinh, Tổng Bí thư Trần Phú đã nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu". Thời gian Trần Phú làm Tổng Bí thư từ tháng 10/1930 đến tháng 4/1931.

3. Lê Hồng Phong

Lê Hồng Phong (1902 -1942), quê huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông làm Tổng Bí thư từ tháng 3/1935 đến tháng 10/1936. Trong quá trình hoạt động sau đó, vào cuối năm 1940, nhà cách mạng Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Trước sự tra tấn, hành hạ của kẻ địch, ông qua đời vào ngày 6/9/1942.

4. Hà Huy Tập

Hà Huy Tập (1906 -1941), quê huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ông làm Tổng Bí thư từ tháng 10/1936 đến tháng 3/1938. Trong quá trình hoạt động cách mạng, từ tháng 5/1938 đến tháng 3/1940, hai lần Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt và bị kết án tử hình. Ngày 28/8/1941, ông bị địch xử bắn tại ngã tư Giếng Nước ở Hóc Môn, Gia Ðịnh (Gia Định nay là TP. Hồ Chí Minh).

5. Nguyễn Văn Cừ

Nguyễn Văn Cừ (1912 -1941), quê Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông làm Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 3/1938 đến tháng 1/1940. Trong quá trình hoạt động, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt. Sau khi kẻ địch tra tấn dã man, chúng đã xử bắn nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ vào ngày 28/8/1941 ở Hóc Môn, Gia Định. 

6. Trường Chinh

Trường Chinh (1907 -1988), tên thật là Đặng Xuân Khu, quê Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định. Ông là Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 5/1941 đến tháng 10/1956 và từ tháng 7/1986 đến tháng 12/1986. Trong quá trình hoạt động và công tác ngoài 2 lần làm Tổng Bí thư, ngoài ra ông từng giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước; Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nay gọi Chủ tịch Quốc hội); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay gọi Chủ tịch nước). 

7. Lê Duẩn

Lê Duẩn (1907 -1986), quê huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ông làm Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 9/1960 đến tháng 7/1986. Ông cũng là người giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng lâu nhất (gần 26 năm). Trước khi ra Hà Nội công tác, nhà cách mạng Lê Duẩn từng giữ chức Bí thư Xứ uỷ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam; Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ. 

8. Nguyễn Văn Linh

Nguyễn Văn Linh (1915 -1998), quê huyện Mỹ Văn, Hưng Yên. Ông giữ Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 12/1986 đến tháng 6/1991. Trong quá trình công tác, Đồng chí từng giữ chức Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Thường trực Ban Bí thư. 

9. Đỗ Mười

Đỗ Mười (1917 -2018), tên thật là Nguyễn Duy Cống, quê xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông giữ chức Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997. Trong quá trình công tác, ông từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo như Bộ trưởng Bộ Nội thương; Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Phủ Thủ tướng: Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).

10. Lê Khả Phiêu

Lê Khả Phiêu (1931 -2020), quê Thanh Hóa. Ông giữ chức Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001. Cuộc đời hoạt động của ông gắn với con đường binh nghiệp. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến đấu ở Campuchia. Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có quân hàm Thượng tướng và từng giữ chức Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. 

11. Nông Đức Mạnh

Nông Đức Mạnh (sinh năm 1940), quê xã Cường Lợi, huyện Na Rì, Bắc Kạn. Ông giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam 2 khóa, từ tháng 4/2001 đến tháng 1/2011. Trong quá trình công tác, ông từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái (nay đã tách 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn); Trưởng ban Dân tộc Trung ương; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội khóa X.

12. Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Phú Trọng (1944 -2024), quê làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông giữ chức Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 1/2011 đến tháng 7/2024. Vào tháng 10/2018, ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Trong quá trình công tác, ông từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội; Chủ tịch Quốc hội. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII; XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001). Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV. XV.

 13. Tô Lâm

Tổng Bí thư Tô Lâm (sinh năm 1957), quê Văn Giang, Hưng Yên; là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV. Trong sự nghiệp, ông có thời gian dài gắn bó với ngành Công an, có cấp bậc hàm Đại tướng.

Tháng 5/2024, khi đang trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, ông được bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ngày 3/8/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

nguồn Dân Việt

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Các Tổng Bí thư trong lịch sử 95 năm của Đảng tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Vì sao tớ yêu Tết?

Tết là khoảng thời gian tuyệt vời, khác hẳn với những ngày thường trong năm. Thế nhưng, với ...

Bài Góc nhìn khác

14 năm vẽ Mẹ Việt nam Anh hùng

Trong suốt 14 năm liền, họa sĩ Đặng Ái Việt đã rong ruổi hơn 160.000km trên khắp đất nước cùng 4 chiếc xe máy. Bắt đầu hành trình khi 62 tuổi, đến nay đã gần 80, bà đã hoàn thành kỳ tích độc nhất: vẽ chân dung 3.157 Mẹ Việt Nam anh hùng.