Câu chuyện của một tờ tiền

Chu Hải
TNTP - Dưới đây là một truyện ngắn được trao giải C giải thưởng Cây bút Tuổi hồng lần thứ VI. Mời các bạn cùng đến với thông điệp giản dị mà sâu sắc này nhé!

Xin tự giới thiệu tôi là một tờ tiền, nhưng đó là một mệnh giá rất nhỏ, các bạn đã đoán ra chưa? Thôi, tôi sẽ nói cho nhanh nhé, TÔI LÀ MỘT TỜ TIỀN NĂM TRĂM ĐỒNG. Chắc các bạn nghĩ tôi là một tờ tiền nhỏ. Không quan trọng. Và tôi chẳng có giá trị gì. Cũng không quan trọng. Tôi đã trải qua chuyện đó rồi. Tôi đã từng bị cuộn tròn vạ vật ở một nơi đầy bụi bẩn và mạng nhện. Tôi từng nằm phơi mình trên đường phố với tấm áo hồng dính đầy vết bẩn, bao người qua lại mà không một ai đếm xỉa… Nhưng bây giờ, tôi đang hạnh phúc trong căn phòng ấm cúng - vị trí mà tôi cho là trang trọng nhất trong chiếc ví da xinh xắn của cô chủ. Làm thế nào mà tôi lại được như vậy? Chắc các bạn tò mò lắm nhỉ! Chuyện là thế này…

Giống như bao tờ tiền khác, tôi được sinh ra từ một ngân hàng lớn. Lứa sinh ấy, tôi có cả ngàn anh em, cũng màu hồng, cũng hoa văn, trên mặt in số 500 to tướng. Đó là kí hiệu để chúng tôi biết mình là ai, giá trị thế nào. Thật may, tôi sớm được tạm biệt những anh chị em của mình để bắt đầu cuộc sống mới. Họ mang tôi lên ngăn kéo của quầy giao dịch. Sự bỡ ngỡ ban đầu khiến tôi không để ý một tiếng cười vang lên từ phía sau:

- Ồ! Tưởng ai, hóa ra là cái anh chàng Năm trăm đồng. Sao anh lại lạc vào đây? Xin lỗi đã không nhận ra vì anh quá nhỏ! Ha ha!

Đó là anh Hai trăm nghìn đồng. Anh ta nhẵn bóng và bên cạnh là ông Năm trăm nghìn trong bộ cánh màu xanh, mới tinh. Ông ta cất giọng ồm ồm, chậm rãi không giấu nổi vẻ kiêu căng:

- Cậu Năm trăm đồng làm gì ở đây vậy? Cậu nhìn xem, ở đây chẳng có ai giống cậu cả. Họ đều bóng bẩy, mặt polymer nhẵn nhụi khiến nước cũng không làm gì nổi. Còn cậu thì nhỏ bé, cái áo hồng thật là lỗi thời, cậu mà dính tí nước là rách tươm cho mà xem!

- Phải rồi! - Anh Mười ngàn đồng lên tiếng - Thời đại này ai người ta còn dùng tiền giấy, lại là đồng Năm trăm như cậu, chẳng mua nổi một cái kẹo cao su. Cậu không tin thì nhìn kìa, ngân hàng người ta chuẩn bị cả một hộp kẹo, để trả cho khách hàng thay vì trả đồng Năm trăm như cậu đấy. Bởi vì có khách hàng nào muốn nhét một tờ tiền như cậu vào cho chật ví đâu!

Tai tôi ù đặc vì tiếng cười hô hố và những lời gièm pha. Cuộc sống ở bên ngoài là thế này ư? Tôi buồn lắm! Họ lớn hơn tôi, mạnh hơn tôi, nhất là cái ông Năm trăm nghìn, ông ta chỉ hơn tôi có một số 0 mà hống hách. Lúc này, có một người khách đến rút tiền. Ông khách đưa chứng minh thư cho cô nhân viên rồi nói:

- Cho tôi rút tiền trong tài khoản?

- Thưa ông, ông rút bao nhiêu?

- Tôi rút hết.

- Vâng, ông chờ một lát. Tổng số tiền cả lãi của ông là hai mươi triệu bốn trăm năm mươi nghìn năm trăm đồng ạ! Tiền đây, xin ông kiểm tra lại!

Người khách nhìn qua rồi cất cả xấp tiền vào ví. Về đến nhà, bé gái con ông đòi mở ví chơi đồ hàng. Ông chiều chuộng quẳng tôi và mấy anh Một, Hai nghìn đồng cho cô bé. Nhưng chẳng hiểu sao, khi chơi xong, cô bé chỉ đem mấy tờ Một, Hai nghìn trả bố. Cô ấy vo viên và vô tình đá tôi vào gầm ghế sofa tối tăm. Thỉnh thoảng, vài ba thằng gián mò mẫm qua rồi lại đi mất. Các bạn không thể tưởng tượng tôi đã khát khao một cơn gió hoặc sức hút của chiếc máy hút bụi luồn tới chỗ tôi thế nào đâu. Nhưng tất cả đều vô vọng. Tôi tưởng đời mình sẽ chết gí ở đây cho đến ngày bà giúp việc quờ cái chổi, lia mạnh một nhát, tôi bắn ra, nằm trơ giữa sàn nhà. Bà giúp việc nhấc tôi, vuốt phẳng, trả lại cho bà chủ, nhưng bà chủ không cần nên tôi được yên vị trong cái bọc vải đeo trước bụng bà giúp việc.

Một hôm, tôi theo bà ra chợ. Bánh mì có giá hai nghìn năm trăm đồng. Vậy là tôi được chuyển sang túi cậu bé bán bánh mì. Chả hiểu thế nào nó làm tôi rách rồi thẳng tay ném, gió gạt tôi xuống rãnh nước ven đường. Tôi khóc nức nở, tưởng rằng đời đã hết. Nhưng may thay, tối hôm ấy, có một bác lao công đã nhặt tôi lên, cho tôi tắm nước sạch rồi lấy mảnh băng dính băng bó vết rách cho tôi. Bác cẩn thận thấm khô nước rồi cất tôi vào túi. Trên đường về, chiếc xe đạp cà tàng của bác bị xịt lốp. May thay đúng chỗ ấy có một cụ già đang ngồi co ro với một chiếc bơm tay. Sau khi cụ run rẩy bơm xe cho bác lao công xong, cụ chỉ xin năm trăm đồng. Bác lao công phấn khởi:

- Ơn Trời, hôm nay cháu toàn gặp may ông ạ, cháu làm ca đêm chẳng mang tiền theo. Vừa rồi cháu nhặt được tờ năm trăm đồng, chẳng ngờ nó lại có ích đến thế. Mà cũng may khuya thế này vẫn có ông bơm xe.

Và thế là tôi lại tạm biệt bác lao công. Đến đêm, tôi cùng cụ trở về căn lán nhỏ gầm cầu, nơi có cô cháu gái nhỏ. Trong ánh điện mờ mờ, hai ông cháu giở tiền ra đếm. Chao ôi, lúc này tôi mới kịp nhìn kĩ, xung quanh tôi, toàn các bạn Năm trăm, Một, Hai nghìn đồng. Chỉ có duy nhất một chị Mười nghìn nhưng chị cũng giản dị, sờn cũ, hiền lành. Cô cháu gái reo lên:

- Hôm nay khá ông nhỉ! Cháu cũng bán được hết báo đấy!

Ông cụ run run nhặt từng tờ tiền nhăn nhúm vuốt phẳng phiu rồi đặt cái hộp gỗ đè lên. Đứa cháu cũng làm như thế. Khi nhặt đến tôi, ông cụ bỗng dừng lại, bảo:

- Cháu nhìn đi. Nó là đồng tiền đặc biệt đấy?

- Tại sao lại đặc biệt hả ông? - Cháu gái ngơ ngác hỏi.

- Hôm nay, nhờ nó mà một cô lao công làm ca đêm có thể về nhà đúng giờ mà không phải dắt xe bộ cả một chặng đường xa. Người ta vứt nó đi vì chê nó tầm thường và rách rưới, nhưng người ta đâu có biết có những lúc nó cứu người khác thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Giờ người ta bơm xe bằng máy hơi hay đọc báo trên mạng, có mấy khi để ý đến những người bơm xe dạo hay bán báo rong như ông cháu mình. Nhưng trong một số hoàn cảnh đặc biệt, sự xuất hiện của ta lại có thể giúp ích cho người khác.

Giọng ông lão chìm dần vào màn đêm. Tôi chưa bao giờ hạnh phúc đến thế. Từ hôm ấy, tôi theo ông cụ đi khắp nơi làm việc. Cho đến một ngày, ông cụ không dậy được nữa, ông gọi cô cháu gái đến bên giường và nói:

- Cháu à, ông sắp phải đi rất xa! Ông chẳng có gì cho cháu cả, chỉ có tờ tiền Năm trăm đồng cũ nát nhưng đem lại may mắn này. Mai đây, chỉ còn mình cháu cũng hãy luôn tự tin và sống tốt nhé? Bố mẹ đã bỏ cháu không phải vì cháu vô ích đâu. Đến tờ Năm trăm đồng cũ nát còn có ích huống chi là cháu gái chăm chỉ của ông…

Và ông cụ đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi cảm thấy đau hơn cả cái lần bị cậu bé bán bánh mì làm rách, buồn thảm hơn cả khi tôi nằm dưới rãnh nước bẩn thỉu. Bởi không ai khác, chính ông đã cho tôi thấy được giá trị của bản thân mình. Chính ông là người trân trọng tôi nhất vì cho dù nghèo khó, ông vẫn không đem tôi ra để tiêu - kể cả tiêu vào việc có ích. Mặc dù về sau này, cô cháu gái rất nâng niu quý trọng tôi. Cô lớn lên, đã thành một bà chủ nhưng vẫn không vứt bỏ, thậm chí còn đem tôi đi ép plastic. Tôi cảm ơn cô lắm, tuy nhiên, đối với tôi, ông cụ vẫn là người quan trọng nhất. Ông cụ đã giúp tôi hiểu rằng, mỗi chúng ta sinh ra đều là những con người hoàn hảo, có ý nghĩa riêng với cuộc đời. Nhưng trong hoàn cảnh nào, thời khắc nào, ta mới có cơ hội thể hiện cái ý nghĩa ấy. Đừng tự ti và đau khổ, hãy cố gắng sống tốt để đến một ngày nào đó, ta sung sướng nhận ra giá trị của mình!...

Nguyễn Phương Anh

(Lớp 7A1, trường THCS Mạc Đĩnh Chi, Ba Đình, Hà Nội)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Câu chuyện của một tờ tiền tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Chiếc giày lẻ

Lớp An có một bạn mới chuyển đến. Bạn ấy tên Tùng và nhà nghèo lắm. Hơn thế, Tùng chỉ ...

Dòng sông trong tim tôi

Dòng sông giống như dòng chảy của thời gian. Từ xa xưa, loài người đã có mối liên kết đặc ...

Bài Sáng Tác khác

Vị tướng đan sọt

- Mau tránh đường cho Đức Ông dẫn quân đi qua! Tay Phạm Ngũ Lão vẫn thoăn thoắt đan sọt, đầu nghĩ tới những chiến lược quân sự nên chàng không nghe thấy tiếng thét của quân lính.

Mùi của nắng

Nếu ai đó hỏi bạn: Mùi nắng có mùi gì? Bạn sẽ trả lời thế nào? Thật khó để nói rõ vì đây là một thứ mơ hồ không thể nói cho rõ. Mùi của nắng.

Tình yêu của bà

Mai được sinh ra ở đất nước xa xôi Hàn Quốc, 6 tháng tuổi về Việt Nam và từ đó dần lớn lên trong tình yêu của “người mẹ” mang tên BÀ NGOẠI.