Chỉ cần thấy mẹ ở bên...

Chu Hải
TNTP - Đây là câu chuyện tôi đã giữ trong lòng bao lâu rồi. Trong các cuộc trò chuyện của hai mẹ con, tôi cũng không bao giờ dám gợi lại.

Nó là một ký ức đáng hổ thẹn, không biết bao nhiêu lần tôi đã ước giá như điều đó đừng xảy ra…

Dạo ấy nhà tôi rất khó khăn. Bố tôi mất sớm, mẹ là người duy nhất mà tôi có thể nương tựa. Nhưng khó khăn đến mấy, mẹ vẫn làm việc cật lực để có thể trang trải cho tôi được đến trường như bao bạn khác. Cái nghề bán hàng rong có bao giờ đầy đủ, dư dật đâu vậy mà tháng nào mẹ cũng lo đủ tiền nuôi tôi ăn học. Giá mà khi đó tôi biết thương mẹ, biết nghĩ cho mẹ thì mọi chuyện cũng không đến nỗi nào.

Hồi đó tôi nhớ ở cái tuổi 13 dở dở ương ương luôn muốn thể hiện mình không thua kém ai, luôn phải bằng bạn bằng bè mà không nghĩ đến gia cảnh nhà mình thế nào. Lớp tôi nhiều đứa đã một cái điện thoại xịn, nghe đâu là mấy triệu một cái thì phải, chỉ có tôi là một trong số hiếm những đứa không có điện thoại. Tôi cũng tủi thân lắm chứ, đã thế lại còn bị bọn nó trêu chọc, lôi nghề nghiệp mẹ tôi ra đùa giỡn. Chẳng biết trong đầu nghĩ thế nào, tôi đã nhất quyết đòi bằng được mẹ tôi mua cho tôi cái điện thoại như thế. Thoạt đầu mẹ tôi rất băn khoăn, mẹ làm gì có tiền mà chiều tôi việc này. Tôi nổi xung giận dỗi mấy ngày trời. Mẹ tôi rưng rưng nước mắt, nói rằng mẹ hứa sẽ cố gắng làm lụng ăn tiêu tiết kiệm để mua điện thoại cho tôi.

Bình thường thì tầm chiều chiều là mẹ về, nhưng từ hôm đó, ngày nào cũng tới tận đêm muộn tôi mới thấy mẹ về. Người mệt mỏi, mái tóc và ánh mắt mệt mỏi hơn… Tôi chạnh lòng lắm, thương mẹ và biết vì sao mẹ phải làm vậy. Nhưng nỗi day dứt ấy không lớn hơn cái tôi ngông cuồng muốn có bằng được một cái điện thoại. Nên tôi vẫn im lặng chứng kiến từng ngày. Tôi cũng muốn nói với mẹ rằng đừng cố như thế nữa, rằng mẹ sắp ốm mất rồi. Song cứ mỗi lần định nói, tôi lại tự chặn họng mình lại bằng cái suy nghĩ ích kỷ đến tàn nhẫn: “Chỉ ít lâu thôi, mẹ mua được điện thoại rồi sẽ không phải về muộn nữa. Nếu mẹ không bán hàng thêm giờ, biết khi nào mình mới có điện thoại!”.

Thế rồi ngày này qua ngày khác mẹ tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm cho đến tối mịt mới về. Lưng áo mẹ luôn ướt đẫm mồ hôi sau một ngày đi bán hàng. Chiếc nón của mẹ xơ xác đi vì dầm mưa dãi nắng nhưng tôi không hề thấy mẹ kêu ca dù chỉ là nửa lời. Mẹ lầm lũi, cam chịu. Từ hồi tôi còn rất bé, mẹ luôn nói với tôi rằng, mẹ vất vả thế nào cũng được, chỉ cần tôi được lớn lên bớt khổ. Mẹ thương tôi vì mẹ nghèo, tôi chẳng được sung sướng như bạn bè.

Và rồi ngày hôm đó, mẹ tôi mãi không về… Tôi bồn chồn chờ mẹ đến khuya. Tôi loanh quanh đi ra ngoài phố, tìm bâng quơ trên những con đường gần nhà. Tôi lang thang trong đầu hoảng loạn với bao nhiêu cảnh tượng đáng sợ mà tôi hình dung ra. Bao nhiêu lần, tôi chới với thấy bóng mẹ đằng xa, vội chạy đến gần, nhưng hóa ra chỉ là ảo giác. Không thấy mẹ. Tôi chẳng dám nói, hay cầu cứu ai, vì xấu hổ, vì sợ phải giải thích về lí do tại sao mẹ đi bán hàng khuya. Mệt mỏi, đầu căng ra với những lo sợ, ân hận, hy vọng, tôi về nhà nằm vật ra giường và ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau thức dậy, tôi vẫn không thấy mẹ đâu, góc nhà cũng không thấy cái bộ quang gánh của mẹ. Tôi hoang mang cực độ.

Chợt chú Tư, tổ trưởng dân phố hốt hoảng chạy sang thở hổn hển nói:

- Mẹ cháu bị tai nạn đêm qua đang cấp cứu ở trên bệnh viện kia kìa. Ra chú đèo lên đó nhanh nhanh xem tình hình thế nào. Nghe báo cũng nặng đấy…

Tôi hốt hoảng chạy vội leo lên xe của chú Tư. Vừa đi vừa lầm rầm cầu mong sao cho mẹ tôi qua khỏi, tôi sẽ đánh đổi mọi thứ để mẹ tôi ở lại bên tôi.

Đến nơi, mẹ tôi nằm đó, thở ôxy, mặt mũi hốc hác và xanh xạm. Người mẹ trùm tấm chăn trắng toát của bệnh việc, xung quanh bao nhiêu là máy móc, ống truyền.

Tôi ngã khụyu xuống bên giường bệnh, nước mắt cứ thế tuôn ra. Tôi khóc như thể gào vỡ tung cả căn phòng. Tôi căm ghét bản thân mình, tôi cầu mong thời gian quay ngược trở lại, để tôi không dằn vặt mẹ bằng cái thứ đòi hỏi ngỗ ngược kia, không bắt mẹ phải khổ sở thế này. Tôi cũng khinh bỉ mình hèn nhát, giá như tôi dám nói với mẹ rằng tôi không cần điện thoại nữa, mẹ đừng đi sớm về khuya như thế. Giá như tối qua tôi dám đi tìm ai đó để cầu cứu, biết đâu đã thay đổi được một chút gì.

Người gây ra tai nạn rụt rè lại gần, ấp úng xin lỗi tôi. Ông ấy nói mình rất xúc động khi thấy tôi là con trai mà biết thương mẹ đến thế này. Ông còn nói, hôm qua ông đi làm về muộn, đường vắng nên đi hơi nhanh, không phanh kịp, nhưng cũng do mẹ tôi đi liêu xiêu xuống lòng đường mới thành vụ tai nạn đáng tiếc này. Tôi cúi đầu không trả lời. Tôi chẳng biết nói gì với ông cả, bởi lỗi thực sự đâu phải hoàn toàn do lỗi tại ông. Tôi cũng phải chịu lỗi đã đòi hỏi quá đáng mà không biết thương mẹ.

Những ngày sau đó, cả xóm phố cùng thay nhau vào chăm mẹ tôi, để cho tôi còn được đi học. Cứ tan trường, tôi lại vào thẳng bệnh viện với mẹ, học bài cũng trong bệnh viện, gần như ăn ở luôn bên giường bệnh của mẹ. Nỗi phấp phỏng hoảng sợ lùi dần, mẹ tôi khá lên, từng chút một. Đó là khoảng thời gian mà cả đời tôi chắc không thể nào quên. Và tôi đã bình tâm, trưởng thành dần lên. Tôi hiểu trách nhiệm của một thằng con lớn trong nhà. Tôi sống thực sự với hoàn cảnh của mình, không ngại ngần nói với lũ bạn, tôi là con nhà nghèo. Không chỉ nghèo mà còn rất nghèo, rằng tôi chỉ có mẹ, mẹ tôi làm nghề bán hàng rong. Tôi không muốn phải cố gắng che giấu việc này nữa, không phải cố tỏ ra ta đây không thua kém gì ai. Thật lạ, hội bạn chẳng ngạc nhiên chút nào. Chỉ có sự khác biệt là tụi bạn thật sự tôn trọng sự thẳng thắn của tôi. Hội con gái còn rủ nhau thỉnh thoảng tặng mẹ tôi mấy món quà nhỏ do chúng nó nghĩ ra, nhân một ngày đẹp trời nào đó. Mẹ tôi cũng dần vui trở lại.

Nhiều năm rồi, mẹ tôi đã bình phục, nhưng sức khỏe thì không bao giờ còn được như xưa nữa. Mẹ yếu, chậm chạp, hay đau ốm. Nhờ sự giúp đỡ, giống như tạ lỗi, của người đàn ông đã tông ô tô vào mẹ, chúng tôi có một sạp hàng khô nho nhỏ ngay tại nhà với nếp sống bình yên. Tôi vừa học vừa đi làm thêm đỡ mẹ, rồi sau là lo được cho mẹ. Tôi đã biết, chẳng có cái điện thoại đắt tiền nào làm nên giá trị của tôi cả. Tôi cũng biết một điều lớn lao trong đời người, chỉ cần thấy mẹ còn ở lại được bên mình là điều hạnh phúc nhất rồi!

Vũ Hoàng Quân
(Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Chỉ cần thấy mẹ ở bên... tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bà cố của Ken

Vừa đến cây dừa đầu ngõ, Ken đã nghe thấy tiếng bà cố (tức cụ) vọng ra:

Bài Sáng Tác khác

Bài toán điểm 10

Hôm ấy là buổi đầu tiên thầy dạy Toán lên lớp. Vừa vào lớp, thầy cho cả lớp làm bài kiểm tra ôn lại kiến thức. Cả lớp ngạc nhiên khi thầy phát ba loại đề khác nhau. Thầy nói:

Mùa hè rực rỡ

Mùa hè đang đến với nắng vàng rực rỡ! Mời bạn tới thăm miền quê trung du thanh bình qua những bức tranh của bạn Lương Vũ Lan Anh (đội 2, Vân Du, Đoan Hùng, Phú Thọ).