Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là tới Tết Trung thu. Đây là dịp để chúng mình rủ nhau phá cỗ, biểu diễn văn nghệ,... Nhắc tới dịp lễ này, không thể không nhắc tới món bánh đặc trưng – bánh trung thu.
Bánh trung thu có rất nhiều loại, nhiều trọng lượng và nhiều vị khác nhau. Nếu là bánh vị truyền thống thì có nhân lạp xưởng, thịt nạc, lạc, vừng,... ngoài ra còn có nhân đậu xanh, hạt sen, matcha, đậu đỏ,...
Bánh trung thu thơm ngon là vậy nhưng lại có độ béo và ngọt cao. Một chiếc bánh 180g cung cấp từ 500 – 700 calo, tùy từng loại bánh, thậm chí có thể lên tới 1000 calo nếu là nhân thập cẩm.
Số calo của một chiếc bánh trung thu thập cẩm tương đương với số calo của 5 bát cơm hoặc 2,5 bát phở bò - quả là rất đáng nể đúng không? Vậy là ăn một chiếc bánh trung thu đã bằng ăn đủ 3 bữa trong ngày rồi.
Để kiểm soát nguồn năng lượng nạp vào cơ thể, nếu ăn nửa chiếc bánh dẻo hoặc bánh nướng, bạn nên ăn ít đi 1 bát cơm, bổ sung thêm rau xanh giúp tống chất béo ra ngoài.
Còn muốn tiêu hao hết năng lượng của 1/5 - 1/10 chiếc bánh ấy, bạn cần nhảy trong vòng 15 phút, lắc vòng 20 phút hoặc chạy bộ 15 phút.
Bạn nên lưu ý gì khi ăn bánh trung thu?
Bánh trung thu giàu năng lượng, chất béo và đường nên bạn cần có chế độ ăn hợp lý để hạn chế dư thừa năng lượng, tăng cân, béo phì.
Bạn chỉ nên ăn với tinh thần “thưởng thức”, tức là ăn một phần nhỏ, ¼ hoặc 1/8, bạn cũng có thể sử dụng bánh cho người ăn kiêng.
Tránh ăn bánh lúc đói vì khi ấy bạn có xu hướng ăn nhiều hơn, mất kiểm soát hơn. Ngoài ra cũng nên tránh ăn vào buổi tối vì lúc này cơ thể thường chỉ nghỉ ngơi, không tiêu hao năng lượng nhiều như ban ngày.
Tốt nhất bạn nên chia sẵn bánh thành từng phần nhỏ và phân bổ nhiều lần trong ngày. Khi ăn bánh, bạn cần tính toán tới tổng năng lượng, dinh dưỡng và sinh hoạt để điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp ăn bánh, uống trà, vừa tao nhã lại mang tới nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong các loài trà như trà hoa cúc, trà xanh, trà ô long có chứa axit acetic, giúp tiêu hóa và phân giải chất béo tốt hơn.