Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Khi ta kiệt sức ngã lòng, cần có một tiếng gọi để trỗi dậy và đi tới. Tôi bỗng tìm thấy tiếng gọi mang sức sống đó trong tập Gõ Cửa Nhà Trời của Bảo Ngọc.
Một thanh âm trong trẻo nguyên lành dường như là của hiếm trời thời buổi vật chất đang quay hết tốc lực dưới tấm áo choàng 4.0 như hiện nay. Nhưng kì lạ thay, âm thanh đó không hề lạc lõng mà vô cùng ấm áp thân quen, bởi nó làm sống lại phần bản nguyên tinh thần bấy lâu nay ta lơ là nên bị lãng quên, vùi lấp.
Tôi đọc một mạch qua ba phần Sương trong veo, Đồng dao ngày mới, Kể chuyện đồng quê. Đọc liền mạch 39 bài thơ tưởng mình như hoàng tử bé ngao du khắp thế gian, quan sát thế giới khởi tạo vận hành bằng đôi mắt trẻ thơ.
Nhưng Bảo Ngọc có khác biệt, Gõ Cửa Nhà Trời vô cùng thuần Việt, đôi mắt trẻ thơ quan sát vạn vật hữu linh, vạn vật có linh hồn đang hòa cùng sự thánh thiện trẻ thơ ở làng quê Việt Nam. Quan trọng hơn hết, tâm hồn thánh thiện đó luôn luôn khát khao được bay lên trời.
Hãy thử cùng nhẩm những câu:
Thế là từ sân nhỏ
Dung dăng cùng vui chơi
Cưỡi trên lưng ngựa gió
Bầy trẻ phi lên trời!
Và rồi cửa trời đã mở, bởi nhà trời thuộc về ai có tâm hồn như lũ trẻ. Hãy trở nên như trẻ nhỏ!
Tôi tin Bảo Ngọc đã gieo những hạt giống tốt lành bằng những hoa cỏ, đám mây, ánh mắt tiếng cười trẻ thơ.
Bạn hãy đọc Gõ Cửa Nhà Trời với những Khoảng sân nhà em, Lời hoa bé xinh, Đi vay nhà trời, Đất hát, Chàng Thống soái đồng xanh... Đọc xong bạn hãy nhắm mắt lại, biết đâu tâm hồn được thanh tẩy và bạn được cất lên... lưng chừng trời!”.
Tập thơ xinh xắn với những hình minh hoạ rất yêu – mỗi minh hoạ tựa như một bức tranh vô cùng sinh động của hoạ sĩ Kim Duẩn.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nói đến Bảo Ngọc, ta cứ nghĩ đến nữ thi sĩ của tình yêu. Chị là tác giả của mấy tập thơ tình Giữ lửa và Bến Trăng. Những mối tình dào dạt và trong veo của cái tuổi mới lớn. Ta rờn rợn theo chị qua bao nhiêu cảnh sắc để tới Bến Trăng, rồi vòng về cõi trần gian, ghé thăm một ngôi chùa, và rồi lại thấy Sư mở cổng chùa đón gió mây… Hoá ra vẫn là cõi bồng lai, tiên cảnh. Và nữ thi sĩ Bảo Ngọc, hoá ra nàng Thỏ Ngọc, người của xứ Cung Hằng.
Thảo nào lần này, nàng chỉ chơi với các em, toàn các em ở lứa tuổi thần tiên, cũng là người của cõi tiên. Nàng dẫn các em đi chơi. Đi đâu? Đi Gõ cửa nhà trời!
Thuở ấu thơ, ta thường nằm trên sân nhà, ngẩng nhìn bầu trời xa thẳm, ngắm những ngôi sao lung linh như những ngọn đèn trời, lại thấy những làn mây bay phơi phới như những dải áo lụa. Áo của các nàng tiên đấy. Thế là ta lại ao ước được một lần bay lên trời. Nhưng làm sao có đôi cánh của thiên thần mà bay lên đấy…
Bây giờ thì cửa trời đã mở rồi, nữ thi sĩ Bảo Ngọc, hay cô nàng Thỏ Ngọc đang dẫn các em vào cõi bồng lai. Các em tha hồ khám phá nhé. Chúc các em có một chuyến đi thật vui và nhận được bao điều bổ ích và lý thú…
Tác giả Bảo Ngọc – Chị Thư Thư – người chăm sóc Vườn ươm Tuổi hồng của Báo Thiếu niên Tiền phong!
Lời ngỏ của tác giả: Tôi luôn bị mê hoặc bởi hoa cỏ dại và mây trời. Hoa cỏ cho tôi cảm nhận sức sống mạnh mẽ ẩn trong đất đai quê mẹ. Còn những đám mây lại cho tôi thỏa sức bay cùng những giấc mơ.
Tôi cũng đặc biệt yêu đôi mắt trẻ thơ. Mỗi khi được chơi đùa, ngắm nhìn cái khoảng trời trong veo, ngơ ngác ấy, là tâm tôi lại sáng lên niềm tin được thiết tha sám nguyện, được tiếp tục gieo những con chữ như gieo những hạt mầm bé nhỏ.
Nên, tôi “Gõ cửa nhà trời” để được chơi cùng các em. Tôi tin, cỏ dại và những đám mây là hai món quà vô giá tặng cho tất cả, mà trên hết là tặng cho những đứa trẻ quê nghèo!
Chia sẻ của Hoạ sĩ Kim Duẩn: Khi đọc những bài thơ của tác giả Bảo Ngọc, cả một khoảng trời tuổi thơ với chuồn kim, dế mèn, bọ ngựa, xiến tóc… bống chốc ùa về.
Và rồi cả những trò chơi trồng nụ trồng hoa, chơi đánh chuyền mang hơi thở của những giai điệu thở đồng dao trong những bài thơ cũng dẫn dụ tôi.
Tôi đã vẽ cho tập thơ này với mong muốn, tôi và chị Bảo Ngọc dành tặng cho tuổi thơ một món quà thật đẹp!