Ai đang giữ vị trí đầu bảng loài động vật có vú di chuyển chậm nhất hành tinh? Xin thưa chính là loài lười hiện đang sống trong các khu rừng nhiệt đới ở Nam và Trung Mỹ.
Lười có tốc độ leo trèo trên cây là 4m/phút. Trong trường hợp nguy hiểm chẳng hạn như bị săn đuổi, lười có thể tăng tốc lên tối đa 4,5m/phút. Ở dưới đất thì chúng đi còn chậm hơn, một phút chỉ bò được cỡ 3m. Bơi có lẽ là bộ môn mà chúng chơi tốt nhất. Những con lười ở dưới nước có thể di chuyển ở vận tốc lên tới 13,5 mét/phút.

Câu hỏi là vì sao đã tồn tại tới 64 triệu năm, trải qua bao biến động thăng trầm, giữa nhịp sống hối hả để thích nghi với môi trường, lười vẫn “lười” và chẳng chịu cải thiện tốc độ của mình?
Nguyên nhân tới từ kiểu cách ăn uống kỳ cục của chúng. Trước hết, cần phân biệt hai loại lười: lười có hai ngón chân và lười có ba ngón chân.
Lười hai ngón là "động vật ăn tạp", chúng ăn cả thực vật và động vật. Trong khi đó, lười ba ngón là "động vật ăn lá", chúng chỉ có thể ăn lá và nụ hoa. Không giống như hầu hết các loài động vật ăn thực vật khác, chúng không thích thân cây hoặc rễ cây.

Trong giới động vật, chỉ còn khoảng 100 loài sống trên cây có kiểu ăn này. Nhưng trong lá cây không có nhiều chất dinh dưỡng và năng lượng. Do đó, chúng nghỉ ngơi nhiều và không di chuyển thường xuyên để bảo toàn nguồn năng lượng ít ỏi ấy.
Trong số các động vật không ngủ đông, lười ba ngón chân sử dụng ít năng lượng nhất. Để tiết kiệm thêm năng lượng thì lười dành tới 9,5 - 15 tiếng trong ngày để ngủ. 90% khoảng thời gian còn lại chúng cũng gần như bất động. Lười chỉ thực sự thức dậy để ăn vào ban đêm, mà cũng chẳng phải đi đâu xa.

Không chỉ lười vận động, ngay cả ăn uống và đi vệ sinh nó cũng chẳng thiết tha gì. Tốc độ tiêu hóa của một con lười cũng ì ạch như chính tốc độ ăn.
Để một chiếc lá cây được nhai rồi nuốt xuống dạ dày, đi vào ruột non, qua ruột già và thành phân đi ra ngoài có thể mất từ 157 tiếng đồng hồ cho tới kỷ lục 1.200 giờ (tương đương 50 ngày). Vậy nên bạn cũng đừng quá ngạc nhiên khi một con lười cả tuần mới đi vệ sinh một lần.