Những điểm cộng đáng yêu
Rất bắt mắt và cuốn hút ngay từ đầu là: sách in rất đẹp, minh họa rất sinh động, chữ nào, dòng nào cũng dễ xem. Có bạn còn trầm trồ khi vừa lật mấy trang đầu: Ôi, phần mục lục sách ở hai trang 6 và 7 gần y hệt chữ tớ viết!
Thêm một điều thú vị nữa: 18 câu chuyện trong tập này rất ngắn, có thể coi mỗi chuyện là một truyện ngắn mini. Tớ đọc đi đọc lại và muốn nói rằng: truyện ít chữ, mà toàn những chữ cũng dễ hiểu, ngoại trừ một số câu chữ địa phương (Nam bộ), hoặc từ, chữ của lớp người bình dân nông thôn. Bởi vậy chỉ bạn nào từ bé đến giờ quen với đường phố thị thành thì lúc mới đầu, sẽ hơi ngỡ ngàng một tí. Nhưng không sao đâu, đừng ngại, cứ đọc tiếp thì sẽ hiểu dần, hiểu hết thôi.
Bạn ạ, đọc sách thì vốn từ của mỗi người sẽ nhiều dần lên, theo đó sự hiểu biết về cuộc sống quanh ta sẽ phong phú hơn. Bác nhà văn Trần Quốc Toàn viết ra cuốn này, là để giúp ta đi du lịch như du lịch qua màn hình tivi đấy!
Những câu chuyện quanh mình giúp ta mở rộng tầm quan sát
Mỗi truyện trong tập sách này ngắn gọn, vì chỉ kể về một chuyện nhỏ nhỏ trong nhà mình, nhà bạn… là chuyện của ông với cháu, bà và mẹ… trong khi nấu ăn. Cũng có thể là chuyện “Cơn mưa phùn thơm mùi bồ kết” vào ngày nắng to do chị Nắng gội đầu, quay tóc, hoặc là chuyện Chợ Chồm Hổm ở Kinh Cụt, chuyện Dấu chân Tiên trên núi Vọng Thê ngày nghỉ Tết chống dịch Covid năm kia…
Là những chuyện nhỏ, được bé Lala kể ra như ngẫu nhiên, ngẫu hứng, mà đọc xong rồi, Hoa Tím tớ cứ ngẩn ngơ, lại mang mang một niềm nhớ nhung rất lạ. Ba tớ bảo: mới học lớp hai xong, mà có tâm trạng như người đã được vào đội Thiếu niên tiền phong biết quàng khăn đỏ rồi là nhờ đọc sách đấy!
Vậy đó chỉ đọc tập “Covid chưa qua, Cô Vịt đã tới” mà biết được thêm bao điều thú vị!
Bạn cũng có thể trở thành nhà văn, thật đấy!
Hãy cầm cuốn sách trên tay và đọc nhé, bạn sẽ thấy sách gợi lại, gọi dậy ở tôi ở bạn, những ký ức và dẫn gợi chúng ta hình dung đến một số việc sắp tới nữa thì phải. Ví dụ như truyện “Những mơ ước vẫy tay”, hoặc hướng dẫn chúng mình cách đọc sách, thì tìm đọc mục lục để chọn truyện, chọn bài mà đọc, rất cụ thể như “Truyện mẹ con cùng đọc”.
Bạn hỏi tôi thích nhất truyện nào trong tập sách này ư? Khó trả lời lắm! Mỗi truyện đều có cái hay riêng. Có lẽ thích nhất là các truyện có tả cảnh, tả người trên sông nước ở buổi chợ hay như truyện một bài văn hay chẳng hạn. Đó là một bài văn tả kể về chợ lề đường mà người đọc biết đến cả biển và rừng, tả kể về những món ăn mà ta có thể hình dung ra cả sinh hoạt, tập quán của cả một vùng quê nữa.
Đặc biệt, ở cuối mỗi truyện trong tập sách này, tác giả còn có mục “Chuyện với người đọc sách”, ở đấy nhà văn gợi ra một vài hướng suy nghĩ về nội dung, về ý tứ, ngữ nghĩa của truyện hoặc một vài câu hỏi theo lối tìm hiểu từ ngữ, cách dùng từ ngữ để làm cho câu chuyện thêm hấp dẫn.
Người lớn (như cô giáo, hay các nhà văn) thì coi đó là mẹo kể chuyện, mẹo viết truyện có yếu tố sư phạm của bác nhà văn Trần Quốc Toàn, khéo léo và nhẹ nhàng. Còn tớ thì tớ nghĩ, biết đâu, chúng mình cứ theo bác nhà văn thì mai sau cũng thành nhà văn nhỉ?!