Trong các món ăn Việt Nam, tương có lẽ là một trong những món khá độc đáo. Đây là một loại nước chấm gồm cái và nước lẫn với nhau, được chế biến từ gạo nếp hoặc ngô xay nhỏ đem ủ mốc rồi trộn với đậu nành, muối, nước.

Với người bình dân, tương luôn là món ăn cơ bản hàng ngày nên mới có câu "thịt cá hương hoa, tương cà là gia bản". Khi xa quê hương, ai mà chẳng nhớ da diết "anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương" là thế. Vậy tại sao dân gian lại nói "thách nhà giàu húp tương"?
Câu thành ngữ này làm cho nhiều người cảm thấy băn khoăn, chẳng rõ đầu đuôi thế nào. Người giàu có mấy khi ăn tới món tương, thách họ thì họ chỉ có cơm tám giò chả, có nước mắm Phú Quốc hay sơn hào hải vị chứ sao lại thách húp tương.

Điều thú vị ở thành ngữ này là do chữ "thách" tạo nên. Trong Tiếng Việt, một khi nói thách nghĩa là có một cuộc thi đấu giữa 2 đối thủ, có thắng có thua. Việc thách đố nhằm vào sự việc gì đó thật khó khăn để đối phương không thực hiện được.
Đằng này ta lại thách một việc làm dễ ợt là húp tương. Bởi ngày xưa nhà giàu mới có nguyên liệu để làm tương. Tương lại là món ăn dân giã của người nghèo nên cứ tưởng nhà giàu sẽ không ăn. Nhưng sự thật, nhà giàu nào cũng có một vài hũ tương. Thách họ chẳng khác nào mở đường cho họ đi khi nó quá dễ dàng so với khả năng của họ.