Đi qua những mùa vàng

Chu Hải
TNTP - Vẫn giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, những quan sát tinh tế giàu xúc cảm, “Đi qua những mùa vàng” thêm một lần nữa cất tiếng yêu thương gửi đến bạn đọc của mình...

Nhà văn, nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn hẳn không phải là một cái tên xa lạ với nhiều thế hệ bạn đọc tuổi học trò. Trước đây anh từng là Bút trưởng Bút nhóm Hoa Cát (Nghệ An) với một số giải thưởng như: Giải Nhất truyện ngắn Báo Thiếu niên Tiền phong năm 2004; Giải Nhất thơ báo Mực Tím năm 2007; Giải Khuyến khích hơ báo Tuổi Trẻ năm 2007…

Ngoài ra, anh cũng có nhiều tập sách và tập thơ được xuất bản: Con trai con gái (NXB Kim Đồng 2007); Ngày lạ (NXB Hội Nhà văn 2009), Cơm nhà cơm người (NXB Trẻ 2012), Thả chim về trời (NXB Kim Đồng 2012); Rồi lẻ loi như gió (NXB Hội Nhà văn 2016); Bộ sách Kỹ năng cho trẻ từ 1-6 tuổi (NXB Tổng hợp TP.HCM 2016)… mới đây tập tản văn “Đi qua những mùa vàng” lại được NXB Kim Đồng chào đón và cho ra mắt bạn đọc.

 Xà cừ mùa đổ lá


Hà Nội vào độ cuối xuân trời thường có những ngày đột nhiên trở lạnh. Những cây xà cừ chạy dọc trên phố, một sáng bỗng ngả vàng đồng loạt. Trông xà cứ thật sặc sỡ với chiếc áo màu vàng diêm dúa. Hà Nội có nhiều tên phố gắn liền với tên cây. Nào cây hoa sữa, cây cơm nguội, cây bàng... nhưng hình như chưa bao giờ thấy cây xà cứ được nhắc đến dù chỉ trong một câu thơ ngắn ngủi.
Không giống như các loại cây khác, xà cừ mỗi năm đổ lá hai lần: vào cuối xuân và cuối thu. Mùa xuân, trong khi các loại cây đang đâm chồi nảy lộc thì cây xà cừ lại khoác trên mình một màu xanh sẫm, già cỗi. Đến thời điểm cuối xuân, khi trời đất nhập nhoạng giữa chút rét tê tê của tháng Ba, chút oi nồng của cái nắng đầu hạ thì lá xà cừ ngả vàng. Màu vàng lộng lẫy, nổi bật giữa màu xanh của cây cối xung quanh.

Rồi những cơn gió vô tình lùa qua, những chiếc lá xà cừ thi nhau rơi xuống. Lá rơi theo từng nhịp gió. Gió nhẹ, xà cừ cứ thả từng chiếc lá một, chậm rãi đều đều. Gió mạnh hơn một chút, lá xà cừ lả tả rơi, không tài nào đếm được. Lá xà cừ rơi xuống mặt đường nhựa, phát ra thanh âm loạt soạt, êm êm. Vào mùa xà cừ đổ lá, cô lao công hình như cũng vất vả hơn. Cây xà cừ cứ như đang trêu đùa, mỗi khi cô quét xong một đoạn đường, chỉ vài phút sau quay lại đã thấy đoạn đường ấy đầy ngập lá xà cừ!

Tôi đi một mình trên đường, cảm nhận tiếng lá rơi thật nhẹ thật êm. Những cơn mưa lá cứ vần vũ, xoay tròn trên đầu khiến lòng tôi nôn nao. Quê tôi cũng có cây xà cừ, và mùa này cũng đang đổ lá.

Tôi nhớ hồi còn học trường làng, trên sân trường có ba cây xà cừ cao lớn, vỏ xù xì. Những buổi trưa tan học, tôi và đám bạn không về nhà ngay mà rủ nhau ở lại nhặt lá xà cừ. Những chiếc cặp được gom lại thành đống dưới gốc cây. Thế rồi cả lũ tản ra, cùng nhau nhặt lá rồi xâu thành dây dài. Trước khi đi học, trong cặp của đứa nào cũng thủ sẵn một sợi dây dù dài gấp đôi sải tay. Dưới cái nắng đầu hạ, cả lũ mải mê nhặt lá, trên khuôn mặt mồ hôi chảy nhuề nhòa nhưng những tiếng cười giòn tan vẫn cứ vang lên. Có khi cả lũ tranh nhau nhặt một chiếc lá vừa rơi, thế là đầu cụng vào nhau đau điếng. Những tiếng cười lại vang lên, trong leo lẻo.

Chúng tôi mang lá về để mẹ phơi trên sân cho thật khô. Vài ngày sau thì mẹ mang vào bếp nấu cơm. Nhưng vòng khói xà cừ trăng trắng bay lên, có mùi thơm hăng hắc. Lá xà cừ đượm lửa làm cho nồi cơm chín đều, thơm phức…

Lá xà cừ vẫn rơi đầy dưới những bước chân tôi qua. Bất giác, trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh mẹ đang ngồi thổi cơm, khói xà cừ xông vào mũi vào mắt cay xè. Một chiếc lá xà cừ rơi trúng má, tôi đưa tay chạm vào, chợt thấy ươn ướt.

Mùa xà cừ đổ lá, gợi về trong lòng tôi biết bao thương yêu, nhung nhớ...

Chõng tre của bà

Quãng thời gian tôi được ở bên bà ngoại thật ngắn ngủi. Lúc tôi 8 tuổi, dáng bà đã còng lắm rồi. Đi đâu cũng phải cần có gậy. Bây giờ lớn lên, tôi mới thực sự biết rằng, xưa tôi đã có những tháng ngày thật tuyệt bên bà.

Tôi thích nhất là được cùng bà nằm trên chõng tre vào mỗi đêm hè. Chiếc chõng tre của bà được ông ngoại đóng cho từ hồi tôi chưa được sinh ra. Bây giờ ông ngoại đã mất, bà rất quý chiếc chõng tre, xem đó như là kỷ vật của ông để lại. Bà giữ gìn rất cẩn thận. Có người bảo bà là lạc hậu, thời nay không ai dùng chõng tre nữa…

Bà thường đặt chiếc chõng tre ngoài hiên nhà vào mỗi tối. Tôi ôm chiếc gối nhỏ của mình ra nằm cạnh bà. Màn đêm thật yên tĩnh. Tôi nghe rõ từng nhịp thở của bà, đều đều và lành hiền. Bà kể chuyện về các ngôi sao. Nào là sao Chổi, sao Diêm Vương, chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ… Rồi cả những câu chuyện cổ tích từ ngày xửa ngày xưa. Giọng bà đều đều, thủ thỉ lúc trầm lúc bổng và thoảng vị trầu cay là tôi thích lắm. Cùng với tiếng kẽo kẹt của chõng tre là tiếng vỗ nhẹ nhàng của bà ru tôi ngủ. Cái vỗ nhẹ nhàng ấy mới thân thương làm sao!

Có những đêm rằm, trăng tròn vành vạnh, hai bà cháu mang chõng tre ra sân nằm trông trăng. Ánh trăng nhuộm vàng lên vạn vật, từ khu vườn đến tàu dừa, mái ngói… Chõng tre của bà cháu tôi cũng được ánh trăng dát lên một màu vàng óng ánh. Tôi say sưa ngắm ông trăng tròn huyền diệu. Tôi không biết vì sao ngày 15 là ngày Rằm mà phải sang ngày 16 mới thật tròn trăng như bài đồng dao mà bà đã dạy cho tôi? Đêm đó trăng sáng lắm, cả không gian trở nên lung linh, huyền ảo và bà lại dạy tôi hát bài “Đếm trăng”: Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá úa, mồng ba câu liêm…

Bao mùa trăng lên rồi trăng lặn, theo thời gian tôi đã lớn lắm rồi, bà cũng không còn nữa. Chiếc chõng tre vẫn còn đó. Mỗi lần học hành căng thẳng, tôi lại ra ngoài hiên ngả mình lên chiếc chõng tre. Tôi có cảm giác như đang được bà vỗ về, rất nhẹ, rất êm khiến tôi cảm thấy thư thái vô cùng.

Bà đã đi xa nhưng trong tâm trí tôi, bà vẫn đang ở bên, rất gần. Tôi sẽ giữ gìn chiếc chõng tre của bà cẩn thận bởi nó là kỷ vật những tháng ngày êm đẹp của tôi bên bà ngoại.

Hồ Huy Sơn
(Cựu Bút trưởng, Bút nhóm Hoa Cát)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đi qua những mùa vàng tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Chiếc giày lẻ

Lớp An có một bạn mới chuyển đến. Bạn ấy tên Tùng và nhà nghèo lắm. Hơn thế, Tùng chỉ ...

Dòng sông trong tim tôi

Dòng sông giống như dòng chảy của thời gian. Từ xa xưa, loài người đã có mối liên kết đặc ...

Bài Sáng Tác khác

Vị tướng đan sọt

- Mau tránh đường cho Đức Ông dẫn quân đi qua! Tay Phạm Ngũ Lão vẫn thoăn thoắt đan sọt, đầu nghĩ tới những chiến lược quân sự nên chàng không nghe thấy tiếng thét của quân lính.

Mùi của nắng

Nếu ai đó hỏi bạn: Mùi nắng có mùi gì? Bạn sẽ trả lời thế nào? Thật khó để nói rõ vì đây là một thứ mơ hồ không thể nói cho rõ. Mùi của nắng.

Tình yêu của bà

Mai được sinh ra ở đất nước xa xôi Hàn Quốc, 6 tháng tuổi về Việt Nam và từ đó dần lớn lên trong tình yêu của “người mẹ” mang tên BÀ NGOẠI.