Đi tìm phương pháp phòng tránh cận thị

Phan Thoa
Nếu như ngày nào trẻ em cũng xem ti-vi nhiều hơn 2 giờ, với khoảng cách từ mắt tới ti-vi nhỏ hơn 3m sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều.

Từ thực tế học sinh ít quan tâm đến sức khỏe của đôi mắt dẫn đến tỷ lệ cận thị ngày càng tăng, thầy giáo vật lý Huỳnh Kiều Viết Lãm (Trường THPT Ernst Thälmann, TP.HCM) đã thực hiện Dự án 'You can see - Đèn đỏ, bỏ sách'. Dự án chỉ ra nguyên nhân và mẹo giúp học sinh phòng, tránh cận thị.

Hứng thú với dự án này, giáo viên cùng trường là cô Trương Hồng Ngọc cùng hơn 80 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 tự nguyện tham gia cùng thầy Lãm thực hiện.

Tháng 8.2017, Dự án “You can see - Đèn đỏ, bỏ sách” chính thức được khởi động với 2 sản phẩm Thanh ngang hạn chế cận thị và Gậy ánh sáng.

Học sinh đã chia thành nhiều nhóm và phân công cụ thể. Nhóm thì nhận nhiệm vụ khảo sát thực trạng và nguyên nhân gây ra cận thị học đường, mẹo hỗ trợ người cận thị trong cuộc sống. Nhóm tìm hiểu những biện pháp đã được áp dụng và nghiên cứu thiết kế kiểu dáng, kích thước, nguyên vật liệu chế tạo Thanh ngang hạn chế cận thị. Nhóm tìm hiểu kỹ năng giao tiếp và bộ chữ nổi, giao lưu, tìm hiểu cuộc sống của người khiếm thị và chịu trách nhiệm thiết kế kiểu dáng, cấu tạo mạch cho Gậy ánh sáng hỗ trợ người khiếm thị qua đường…

Vậy lý do nào khiến nhiều bạn học sinh bị cận thị? Theo báo Sức khỏe đời sống:

Trẻ thiếu ngủ hoặc ít ngủ: đặc biệt là từ 7-9 tuổi và 12-14 tuổi, trong khoảng thời gian này nếu trẻ ngủ quá ít hoặc do không đủ thời gian để ngủ vì cha mẹ bắt học quá nhiều rất dễ gây ra cận thị.

Trẻ sinh ra mà trọng lượng cơ thể quá nhẹ: hầu hết trẻ sinh ra với trọng lượng cơ thể dưới 2,5kg, đến tuổi thiếu niên đều bị cận thị.

Trẻ sơ sinh thiếu tháng: trẻ sinh thiếu tháng từ 2 tuần trở lên thường bị cận thị từ khi học vỡ lòng. Bố mẹ bị cận thị rất dễ di truyền sang con cái, mức độ di truyền này liên quan mật thiết với mức độ cận thị của bố mẹ. Thông thường bố mẹ bị cận thị dưới 3 đi-ốp thì khả năng di truyền sang con cái rất nhỏ. Nếu bố mẹ bị cận thị từ 6 đi-ốp trở lên thì khả năng di truyền sang con cái là 100%.

Trẻ em xem ti-vi quá gần: nếu như ngày nào trẻ em cũng xem ti-vi nhiều hơn 2 giờ, với khoảng cách từ mắt tới ti-vi nhỏ hơn 3m sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều.

Hệ thống thị giác của con người được cấu tạo để thực hiện các chức năng nhìn xa là chủ yếu. Khi nhìn gần quá mức, mắt luôn phải điều tiết mệt mỏi và dẫn đến hiện tượng thích nghi với nhìn gần, gây gia tăng độ cận thị, làm suy giảm khả năng nhìn xa của mắt.

Vệ sinh mắt hằng ngày là việc rất cần thiết, giúp làm giảm những căng thẳng về thị giác, thư giãn mắt và phòng tránh được cận thị học đường. Dưới đây là một số điều mỗi người nên làm để bảo vệ đôi mắt:

1. Nghỉ ngơi thị giác từng lúc

Đây là động tác đơn giản nhưng rất hữu ích, giúp mắt được thư giãn. Cứ làm việc khoảng 20 phút, bạn nên để mắt nhìn xa một đến 2 phút, hoặc nhắm mắt lại 30 giây đến một phút. Nếu cảm giác bị mờ nhoè đi, cần cho mắt nghỉ lâu hơn

Con người cũng cần chủ động kiểm soát việc chớp mắt, chớp mắt là một động tác sinh lý, giúp lớp nước mắt được trải đều trên bề mặt mắt, giúp mắt dễ chịu và giảm căng thẳng cho mắt.

Không nên làm việc bằng mắt quá 45 phút, học sinh cần ra sân chơi và tập thể dục giữa các tiết học, tránh đọc truyện, chơi game trong giờ giải lao. Trong ngày, mỗi người nên có thời gian thư giãn nhất định cho đôi mắt bằng cách tập nhìn xa hoặc thể dục vui chơi ở những nơi thoáng rộng.

2. Chú ý đến ánh sáng

Phòng học hoặc nơi làm việc nên được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên. Nếu không, bạn phải duy trì đủ ánh sáng bằng hệ thống đèn chiếu sáng ở các góc độ, tránh việc học, đọc bị khuất bóng do thiếu đèn.

3. Đọc và viết đúng khoảng cách quy định

Khoảng cách đọc sách và viết với học sinh lớn là 30-40cm. Học sinh nhỏ tuổi đọc cách khoảng 25cm. Việc đọc hoặc viết quá gần sẽ làm hệ thống thị giác phải nỗ lực điều tiết, làm mỏi mệt, gia tăng độ cận thị.

Nếu làm việc trên màn hình vi tính, bạn nên để khoảng cách 60cm để giảm thấp khả năng mắt phải điều tiết và những ảnh hưởng xấu của ánh sáng màn hình.

4. Tư thế

Tư thế ngay ngắn lưng và cổ thẳng sẽ giúp phòng tránh mỏi mệt và gù vẹo cột sống. Bạn cần tránh nằm khi đọc sách vì điều đó sẽ gây ra hiện tượng mắt khó khăn khi quy tụ, điều tiết, rất dễ mỏi và nhức mắt; tránh đọc sách khi đi tàu xe vì khoảng cách đọc bị thay đổi liên tục khi rung lắc rất có hại cho mắt.

5. Xem truyền hình

Con người chỉ nên xem truyền hình với thời lượng vừa phải khoảng một tiếng mỗi ngày. Nếu có các tật khúc xạ thì bạn nên đeo kính khi xem. TV cần để ở khoảng cách gấp 4 lần đường chéo của màn hình và không tắt đèn khi xem.

6. Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng dưỡng chất giúp nuôi dưỡng một đôi mắt sáng và mạnh khỏe. Các vi chất như vitamin A, E, C, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá biển, trứng giúp duy trì các môi trường trong suốt của mắt, giúp mắt tăng khả năng điều tiết, chống thoái hoá võng mạc và hoàng điểm của mắt. Một số trường hợp cận thị tiến triển nhanh có thể bổ sung dưỡng chất bằng các loại thuốc bổ mắt thông dụng.

7. Khám mắt định kỳ

Bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt định kỳ để được chỉnh tật khúc xạ và tư vấn cụ thể khi gặp những vấn đề về mắt.

Duy Minh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đi tìm phương pháp phòng tránh cận thị tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Bài tập mắt cho người cận thị

Thực hiện đều đặn các bài tập cận thị giúp lưu thông máu tốt hơn, tăng cường cử động nhãn cầu, thư giãn mắt, giảm nhức mỏi và hạn chế sự tiến triển của cận thị.