Trời trở lạnh khiến con người thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Dưới đây là những hiện tượng kỳ lạ xảy ra vào mùa đông bạn nên lưu ý, theo Huffington Post.
Đốt cháy nhiều calo hơn
Khi nhiệt độ xuống thấp, tỷ lệ trao đổi chất cơ bản hay lượng calo tiêu hao để duy trì sự tồn tại của con người tăng lên nhằm mục đích giữ ấm.
Ngón tay "co lại"
Mùa đông, nhiều người sẽ nhận thấy chiếc nhẫn hay đeo có vẻ rộng hơn. Bác sĩ Albert Ahn từ Bệnh viện Langone thuộc Đại học New York (Mỹ) giải thích: "Để duy trì nhiệt độ cơ thể, mạch máu co lại và máu ít dồn đến các ngón tay, ngón chân hơn. Kết quả là chúng như bị nhỏ lại".
Đau các ngón
Cái lạnh có thể kéo đến căn bệnh Raynaud khiến tay, chân, tai bị tê buốt do động mạch co lại quá mức. "Căn bệnh này không nguy hiểm nhưng rất khó chịu và đau đớn", bác sĩ Ahn nói. Để cải thiện triệu chứng, bệnh nhân cần mặc đủ ấm và tránh ở ngoài trời quá lâu.
Đỏ mặt
Đỏ mũi, má khi bị lạnh cho thấy máu ở các khu vực này đang được chuyển hướng đến những bộ phận quan trọng hơn như tim, phổi. Chừng nào cơ thể được sưởi ấm, máu sẽ lưu thông bình thường và làm tan biến tình trạng trên.
Nguy cơ đau tim tăng
Vì cố gắng giữ nhiệt, cơ thể gây áp lực lên tim, buộc cơ quan này làm việc nhiều hơn. Kết quả, nguy cơ đau tim sẽ tăng lên vào mùa đông. Ngoài ra, huyết áp có thể tăng nhẹ.
Tâm trạng đi xuống
Nhiệt độ giảm, ban ngày ngắn lại khiến con người dễ bị thiếu vitamin D và rơi vào tâm trạng ủ rũ, chán chường. Hiện tượng này nặng, nhẹ tùy từng cá nhân; một số trường hợp nghiêm trọng sẽ chuyển thành chứng rối loạn cảm xúc theo mùa.
Nhằm xua đi tâm trạng tiêu cực, bác sĩ Ahn khuyến cáo cộng đồng tập thể dục, dành thời gian phơi nắng và xem xét việc uống vitamin D bổ sung. Lưu ý, hãy nhanh chóng đi gặp bác sĩ nếu cảm thấy quá nặng nề đến mức cản trở sinh hoạt để kịp thời điều trị.
Những kỹ năng chăm sóc cơ thể khi trời chuyển lạnh:
Uống trà gừng nóng
Theo Lương Y Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội đông y Ba Đình thì chúng ta nên cẩn thận với thời tiết mưa nhiều, trời se lạnh. Chỉ cần sơ suất một chút là chúng ta sẽ rất dễ bị cảm lạnh, đặc biệt là với những người bị các bệnh viêm mũi dị ứng, người già, trẻ nhỏ… Vì vậy, sau khi đi ra ngoài, tiếp xúc với môi trường lạnh về, chúng ta có thể làm ấm cơ thể bằng một cốc trà gừng nóng.
Gừng là loại củ có vị cay, tính ấm nên rất hiệu quả trong việc làm ấm bụng để chống lại cái lạnh bên ngoài và cũng giúp bạn tránh cảm gió.
Ăn cháo nóng
Lương Y Bùi Hồng Minh cho biết: "Khi chúng ta đi mưa hay đi từ ngoài trời lạnh về, cơ thể thường bị nhiễm lạnh, lúc này nên ăn một bát cháo nóng, một bát phở nóng hoặc bất kể món ăn nóng nào đó đều có tác dụng làm ấm cơ thể tránh bị cảm lạnh rất tốt". Tuyệt đối không ăn uống đồ lạnh hoặc đứng trước quạt hay vào phòng điều hòa ngay vì rất dễ "lạnh càng thêm lạnh" khiến nguy cơ mắc bệnh càng tăng cao.
Uống nước chanh tươi mật ong
Mặt khác, Lương Y Bùi Hồng Minh cho biết, chúng ta có thể dùng nước chanh tươi mật ong để phòng tránh ho cho những ngày se lạnh. Chanh tươi và mật ong là 2 loại thực phẩm phòng và chống ho khan, ho có đờm hiệu quả - bệnh dễ bị khi trời lạnh, nhất là ở trẻ em. Bạn chỉ cần pha nước chanh ấm rồi cho thêm một thìa nhỏ mật ong vào, khuấy đều lên là có một loại nước ấm làm cho cơ thể khá tốt. Bởi mật ong là thực phẩm cực kỳ hữu ích trong mùa đông lạnh nên dùng mật ong trộn chanh trong nước ấm uống mỗi ngày sẽ góp phần tăng miễn dịch, chữa đau họng hiệu quả.
Minh Phương (tổng hợp)